1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngân hàng dồn dập tăng vốn điều lệ

(Dân trí) - Hàng loạt ngân hàng dồn dập tăng vốn điều lệ trong những tháng cuối năm 2009 cho thấy, ngoài việc tuân thủ lộ trình tăng vốn, các thành viên còn chú ý đến khả năng cạnh tranh và bổ sung vốn hoạt động.

Ngân hàng dồn dập tăng vốn điều lệ - 1
Ngân hàng tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao tính cạnh tranh (ảnh: Việt Hưng).
 
Theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP, đến cuối năm 2010 vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP phải đạt 3.000 tỷ đồng. Hiện tại, các ngân hàng đang dồn dập tăng vốn điều lệ, thực hiện kế hoạch gọi vốn từ cổ đông.
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt cho biết: Ngoài việc tăng vốn theo lộ trình, tăng vốn còn là tăng năng lực hoạt động của mỗi ngân hàng, nhất là trong thời điểm huy động vốn khó khăn. Có thể nói, tăng vốn điều lệ là điều kiện bổ sung vốn hoạt động tốt nhất cho ngân hàng.
 
Đối với Liên Việt, tháng 10 là thời điểm tăng 350 tỷ vốn điều lệ, tạo bước đà cho tháng 11 tới có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi tối thiểu khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là hành động mà ngân hàng này hướng tới nhằm tăng năng lực vốn hoạt động cho mình và niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 5/2010.
 
Hiện tại, LienVietBank cũng đã có thông báo thực hiện tăng vốn điều lệ năm 2009 đến các cổ đông. Với số vốn tăng 350 tỷ đồng, tương đương 35 triệu cổ phần, giá chào bán cổ phần dành cho cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược trong nước, cán bộ công nhân viên… là 10.000 đồng/cp (bằng mệnh giá cổ phần).
 
Còn theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình: Một lý do khác khiến các ngân hàng dồn dập có kế hoạch tăng vốn là hiện nay quy mô tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đều rất nhỏ, để đảm bảo cạnh tranh và xây dựng được cơ sở hạ tầng tốt tự bản thân các ngân hàng cần phấn đấu tăng quy mô tổng tài sản. Không có vốn lớn, ngân hàng sẽ không thể đầu tư để bứt phá được.
 
“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có một lộ trình tăng vốn thận trọng, phù hợp với chiến lược phát triển của mình. Tính đến nay, tổng tài sản của ngân hàng đạt xấp xỉ 19.000 tỷ đồng, vốn điều lệ là 2.850 tỷ đồng và dự kiến hết 2009, vốn điều lệ sẽ nâng lên 3.400 tỷ đồng”, ông Mạnh cho biết.
 
Hay như tại buổi triệu tập đại hộ cổ đông của Ngân hàng Quốc tế (VIB) họp để thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ năm 2009, vốn điều lệ tối đa dự kiến đến ngày 31/12/2009 là 4.000 tỷ đồng (vốn điều lệ hiện tại là 2.200 tỷ đồng).
 
Với phương án sử dụng vốn mới, VIB dự kiến năm 2009 lợi nhuận trước thuế sẽ là 600 tỷ đồng, tăng 145% so với năm 2008; cổ tức trên vốn điều lệ trung bình khoảng 17% (năm 2008 là 7,10%).
 
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) tăng vốn điều lệ từ 4.068 tỷ đồng lên 5.068 tỷ đồng trong năm 2009 theo phương án đã được đại hội cổ đông thường niên SeABank thông qua. Số vốn 1.000 tỷ đồng tăng thêm được lấy từ nguồn trái phiếu chuyển đổi phát hành đợt 2/2007 của SeABank.
 
Ngân hàng Sacombank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 6.700 tỷ đồng; ACB cũng tăng vốn điều lệ 2009 từ hơn 6.355 tỷ đồng lên hơn 7.800 tỷ đồng; Ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ từ 2.880 tỷ đồng lên 3.400 tỷ đồng…
 
Giới chuyên gia đánh giá, các ngân hàng điều chỉnh tăng vốn điều lệ theo lộ trình và theo nhu cầu của thị trường là tất yếu. Việc tăng vốn của các ngân hàng hiện chủ yếu phát hành cho cổ đông hiện hữu, giá bằng mệnh giá.
 
Thế nên, ngân hàng cần thận trọng với kế hoạch của mình, bởi vốn tăng nhanh cũng sẽ tạo áp lực đối với sử dụng vốn và khả năng sinh lời từ đồng vốn tăng thêm.
 
An Hạ