1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nơi giàu nhất Việt Nam có thu nhập bình quân 6,52 triệu đồng/người/tháng

Mai Chi

(Dân trí) - Năm 2023, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt 6,26 triệu đồng, cao gần gấp rưỡi nông thôn. Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất với 6,52 triệu đồng/tháng.

Theo những hé lộ đầu tiên của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023, trong năm ngoái, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành đạt 4,96 triệu đồng, tăng 6,2% so với năm 2022.

Thu nhập bình quân ở thành thị 6,26 triệu đồng/người/tháng

Cơ quan thống kê đánh giá, năm 2023, tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thương mại toàn cầu suy giảm, bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn.

Trong điều kiện bất lợi đó, kinh tế và tình hình đời sống dân cư vẫn tiếp tục cải thiện và duy trì đà tăng so với năm 2022. Dù vậy, tốc độ tăng thu nhập bình quân năm 2023 so với năm 2022 có chậm lại so với tốc độ tăng thu nhập năm 2022 so với năm 2021 (11,2%).

Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt 6,26 triệu đồng/người/tháng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (4,17 triệu đồng).

Nơi giàu nhất Việt Nam có thu nhập bình quân 6,52 triệu đồng/người/tháng - 1

Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư của GSO.

20% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân 10,86 triệu đồng/tháng

Trong năm 2023, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất (6,52 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,44 triệu đồng/người/tháng).

Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập cao nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,86 triệu đồng cao gấp 7,5 lần so với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập thấp nhất - nhóm 1) với thu nhập bình quân đạt 1,45 triệu đồng/người/tháng.

Thu nhập từ tiền công, tiền lương giữ tỷ trọng cao trong tổng thu nhập

Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Các khoản thu từ tiền công, tiền lương vẫn giữ tỷ trọng cao trong thu nhập của dân cư, tăng từ 51,1% năm 2018 và duy trì ở mức trên 55% trong các năm từ 2020 đến 2023.

Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 13,3% năm 2018 xuống còn 10,2% năm 2023.

Năm 2023, có 97,2% hộ sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố, chỉ có một tỷ lệ nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du và miền núi phía Bắc là 2 vùng có tỷ lệ hộ sống trong nhà thiếu kiên cố và đơn sơ cao nhất cả nước (lần lượt là 7,4% và 7,9%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2023 đạt 27,8 m2, tăng 0,6 m2 so với năm 2022.

Cần thêm các hỗ trợ cho đối tượng khó khăn, yếu thế 

Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2023, đời sống dân cư phản ánh qua chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người vẫn tiếp tục duy trì tăng so với năm 2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm lại so với đà tăng năm 2022 do nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả sau đại dịch.

Bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tồn tại giữa các khu vực thành thị nông thôn, các vùng và giữa các nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao.

Do vậy, bên cạnh kết quả đạt được trong năm 2023, để đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, cơ quan thống kê cho rằng, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách an sinh xã hội; tạo việc làm cho người lao động và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khó khăn, người yếu thế hơn trong xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm