Ninh Thuận còn nhiều dư địa phát triển năng lượng xanh
(Dân trí) - Phó Bí thư Thường trực tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, cho rằng tỉnh chọn phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh làm mũi nhọn đột phá vì dư địa phát triển ngành này còn rất lớn.
Ngày 27/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa Carbon thu hút nhiều nhà đầu tư, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tham dự.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2024.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết, trong quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định năng lượng vẫn là khâu đột phá, kinh tế mũi nhọn của địa phương vì dư địa để Ninh Thuận phát triển ngành này rất lớn.
Theo ông Hậu, tỉnh Ninh Thuận coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng. Việc phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.
Trong quy hoạch phát triển tỉnh luôn gắn liền với phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo. Trong đó bao gồm cả sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
Hiện nay, việc phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải carbon thấp, hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch.
Trong đó, Ninh Thuận được đánh giá là một trong các địa phương có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh. Đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.
Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư, chia sẻ Ninh Thuận có lượng bức xạ ánh nắng mặt trời rất lớn, là cơ hội để phát triển năng lượng sạch.
Còn theo ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh sẽ biến những khó khăn, khắc nghiệt thành cơ hội, thuận lợi. Các sở, ban ngành sẽ cùng tập trung, tháo gỡ, đồng hành với doanh nghiệp đưa Ninh Thuận hướng đến trung tâm năng lượng của cả nước.