Quán ăn tăng giá dịp nghỉ lễ 30/4 nhưng vẫn kín khách đặt bàn
(Dân trí) - Nhiều quán ăn thu thêm phụ phí hoặc tăng giá nhẹ trong dịp lễ 30/4-1/5. Dù vậy, lượng khách đặt bàn trước vẫn đông và đa phần không thắc mắc trước mức giá tăng của quán.
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, tiệm bán đồ ăn Hàn Quốc của anh Hùng Đặng ở Hà Nội đã kín khách đặt bàn. Anh Hùng cho biết, ngày thường, cửa hàng có mức giá cho một suất ăn buffet là 189.000 đồng/người nhưng dịp lễ, suất ăn tăng lên 235.000 đồng/người. Tuy nhiên, khách hàng vẫn đặt bàn rất đông và thường không thắc mắc về mức giá tăng này.
Trung bình mỗi khung giờ, cửa hàng anh Hùng có sức chứa khoảng 50 khách. Vào dịp lễ, ở các khung giờ ăn chính như 10h30-13h, 18h-21h, đa phần đều kín khách. Mật độ khách hàng này đã duy trì nhiều năm nay, luôn đông vào mỗi dịp nghỉ lễ, bất chấp điều kiện thời tiết mưa hay nắng.
Để chắc chắn về lượng khách, vào dịp lễ, quán ăn của anh Hùng yêu cầu khách hàng đặt cọc trước 50% chi phí để giữ chỗ. Với quy định này, đa phần khách hàng đều thoải mái và không ý kiến.
Anh Hùng cho rằng nhu cầu ăn uống vào dịp lễ là điều tất nhiên. Khi được nghỉ, mọi người có xu hướng gặp gỡ người thân, bạn bè và không thể không đi ăn. Do vậy, có thể nói, dịp lễ là thời điểm tăng doanh thu tốt nhất cho các quán ăn, tất nhiên quán phải là địa điểm đã được khách hàng tin tưởng từ trước đó.
Một ví dụ khá trái ngược là những ngày này, nhiều cửa hàng quần áo, đồ gia dụng đồng loạt giảm giá nhưng các quán ăn lại đồng loạt tăng giá, thu thêm phụ phí cho ngày nghỉ lễ nhưng lượng khách thì trái ngược. Bên giảm giá không có khách, bên tăng giá lại luôn kín bàn.
Như vậy, có thể thấy, nhu cầu ăn uống là nhu cầu tất yếu, còn việc mua sắm thêm đồ dùng, quần áo, đơn giản chỉ là sự lựa chọn, có cũng được và không có cũng không ảnh hưởng gì đến kỳ nghỉ lễ.
Đồng quan điểm này, Linh Chi - chủ một tiệm ăn online chuyên bán các món ăn truyền thống - cho biết cô đã nhận được đơn đặt hàng kín cho 5 ngày nghỉ lễ. Đa phần khách hàng vì không muốn tốn thời gian nấu nướng nên đã đặt sẵn suất ăn cho ngày nghỉ, hoặc đặt các mâm cỗ để tiếp khách đến chơi nhà.
Những ngày này, tiệm ăn của Linh Chi cũng tăng khoảng 20.000 đồng/món. Cô giải thích với khách rằng đây là phần chi phí thưởng cho nhân công, những người làm xuyên lễ và khách hàng luôn đồng ý.
Linh Chi cho rằng điều quan trọng nhất khi kinh doanh hàng ăn trong dịp lễ là duy trì chất lượng món ăn ổn định về mặt chất lượng và hình thức. Dù đông khách, Linh Chi tăng cường kiểm tra vệ sinh món ăn và quy trình nấu của nhân viên.
Bởi nếu vì đông khách mà không kiểm soát chất lượng, rất dễ mất khách sau nghỉ lễ. Khách hàng hiện tại đã có nhiều lựa chọn trong việc ăn uống nên ngày càng kỹ tính và cẩn thận, yêu cầu khắt khe cả về hình thức lẫn chất lượng món ăn.
Để đảm bảo chất lượng đầu ra, Linh Chi đã tạm ngừng nhận đơn đặt hàng trong 5 ngày nghỉ lễ. Theo Chi, việc này giúp cô và nhân viên có thể chắc chắn trong việc nhập nguyên liệu đầu vào, cân đối thời gian nấu nướng và giao hàng, đảm bảo đến tay người nhận đúng thời gian yêu cầu.
Hiện tại, xu hướng staycation (nghỉ tại chỗ) ngày càng phổ biến. Để tránh tình trạng đông đúc vào dịp lễ, nhiều người lựa chọn nghỉ ngơi tại nhà, dành thời gian gặp gỡ bạn bè thay vì đi du lịch. Do đó, các quán ăn có chất lượng ổn định thường có lượng khách đặt bàn trước khá đông, thường kín 70% lượng bàn vào 1 tuần trước kỳ nghỉ lễ.
Các chủ quán ăn đưa lời khuyên rằng nếu muốn chắc chắn có bàn ở những nhà hàng đông khách, mọi người hãy đặt giữ chỗ, tránh tình trạng ngày lễ đi ăn không đặt được bàn, gây mất thời gian, mất hứng và lệch lịch trình vui chơi.