"Ngậm đắng nuốt cay" với vay tiêu dùng

(Dân trí) - Nhiều khách hàng đã “ngậm đắng nuốt cay” khi lãi suất vay hàng năm lên tới 80% cùng nhiều chi phí phát sinh khác mà khi vay tiền không hề hay biết. Nhiều người do không đủ khả năng trả nợ đã trở thành con nợ suốt đời của các công ty tài chính.

Hợp đồng "bẫy" khách vay

So với việc “vay nóng” của các đối tượng xã hội thì vay tiêu dùng từ các công ty tài chính có địa điểm kinh doanh rõ ràng, thậm chí có thương hiệu vốn được xem là sự lựa chọn ít rủi ro hơn... Thế nhưng thực tế có không ít người phải rơi vào cảnh khốn đốn vì vay tiêu dùng.

Gửi đơn thư đến báo Dân Trí, chị Nguyễn Nhung (ngụ quận Tân Bình) cho biết: “Cuối năm 2015, tôi có đến công ty Home Credit vay số tiền 27.313.000 đồng. Sau khi trừ bảo hiểm chồng tôi nhận được số tiền là 25.680.000 đồng. Chồng tôi trong lúc túng quẫn cần tiền trả nợ nên không đọc rõ chi tiết hợp đồng, lầm giữa 18 tháng vay thành 12 tháng và mỗi tháng chúng tôi phải trả cả lãi và gốc là 2.568.000 đồng. Đến nay, khi tôi đã trả đủ số tiền gốc và 2 tháng lãi nhưng số tiền chúng tôi còn nợ công ty là 16 triệu đồng. Nếu tính như vậy lãi suất công ty này cho vay lên tới gần 60%/năm”.

“Thấy lãi suất quá cao mà khi vay nhân viên tư vấn không cho biết điều này nên tôi đã gọi lên công ty để khiếu kiện. Các nhân viên của công ty đều né tránh và chuyển hết line này đến line khác và không tư vấn và trả lời chúng tôi 1 cách thỏa đáng. Hợp đồng sau khi chồng tôi ký xong 1 năm sau không gửi lại hợp đồng mà tới lúc tôi gọi yêu cầu nhiều lần nói gửi đơn lên báo chí thì họ mới gửi hợp đồng qua mail và không gửi bản giấy cho chúng tôi", chị Nhung cho biết thêm.

Hợp đồng từ phía công ty cho vay tài chính khá mập mờ khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn.
Hợp đồng từ phía công ty cho vay tài chính khá mập mờ khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn.

Trường hợp không hiểu hay nhầm lẫn các điều khoản trong hợp đồng vay tín dụng như vợ chồng chị Nhung rất hay xảy ra. Nhiều người vay cho biết họ đã cố đọc kỹ nhưng rất khó hiểu hết những thuật ngữ ghi trong hợp đồng, nhiều điều khoản rối rắm... Chính những điều khoản lập lờ này ngầm chứa những yếu tố bất lợi cho người vay.

Chị Phượng (ngụ Bình Phước) cho hay: “Cách đây hơn 1 năm, do cần tiền mua xe nên tôi tìm đến một công ty cho vay tiêu dùng và được một tư vấn viên giới thiệu và cho vay tiêu dùng. Gói vay 20 triệu đồng, trả trong vòng 12 tháng. Sau 3 tháng trả nợ, hợp đồng mà công ty gửi lại cho tôi là một bản photo có đóng dấu giáp lai nhưng toàn bộ chữ ký đều không phải của tôi".

"Tôi khẳng định đây không phải chữ ký của tôi, vậy sao có giá trị, mà trong này còn có khoản bảo hiểm 1 triệu đồng mà khi tôi đi vay thì không hề được biết chuyện này. Thậm chí, lãi suất tôi phải trả lại lên đến 3,75%/tháng do được cộng dồn 1 khoản tiền bảo hiểm, cao hơn 1% so với mức ban đầu chị được tư vấn”, chị Phượng nói.

Chị Phượng (ngụ Bình Phước) cho rằng mình bị lừa van với lãi suất cao.
Chị Phượng (ngụ Bình Phước) cho rằng mình bị lừa van với lãi suất cao.

“Do nhu cầu cần mua điện thoại nên tôi đến vay nóng của một công ty tài chính. Lúc nhân viên tư vấn 9% lãi suất tôi cứ nghĩ là 9%/năm nhưng khi về nhà tôi mới tá hoả khi biết lãi suất 9%/tháng và lãi suất hàng năm lên tới 80%. Mặc khác, trong hợp đồng cũng có rất nhiều điều khoản bất lợi cho khách như trễ hẹn 3 ngày đóng tiền là bị phạt mức phí rất cao, gần bằng với tiền đóng hàng tháng. Khi khách phản ánh về việc lãi suất cao thì nhân viên luôn cho rằng mình làm đúng luật và nếu khách không trả sẽ bị đưa vào nhóm nợ xấu. Nhiều người còn bị hù doạ sẽ không thể xin việc ở đâu khi có lí lịch nợ xấu”, anh Nhường (ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ.

Khách hàng dễ trở thành "con mồi"

Phải chăng, chính sự mập mờ trong cách tư vấn hợp đồng của các nhân viên công ty tài chính đã đẩy người vay vào thế khó?

Trao đổi về vấn đề trên, bà Vương Thuỷ Tiên - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại công ty Home Credit, cho hay: “Đây là hình thức vay tiền nhanh và khách hàng không phải thế chấp nên mức độ rủi ro cũng khá cao. So với các ngân hàng thì thủ tục rất nhiều nhưng khi vay tiền tại Home Credit thì chỉ khoảng 30 phút là khách đã nhận được tiền. Riêng về khoản phí bảo hiểm thì đây là hình thức tự nguyện, khách hàng đóng mức phí này để khi gặp rủi ro gì về kinh tế như thất nghiệp, bệnh tật... thì bên bảo hiểm sẽ hỗ trợ”.

“Home Credit hiện đang áp dụng nhiều mức lãi suất linh hoạt dựa trên lịch sử tín dụng, khả năng tài chính của khách hàng cũng như các đặc tính của sản phẩm cho vay. Các mức lãi suất này được đề xuất và áp dụng cho từng khách hàng cụ thể sau khi Home Credit tiến hành thẩm định hồ sơ tín dụng của khách hàng trên nguyên tắc lãi suất theo thỏa thuận đã được quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, các mức lãi suất này đều được Home Credit báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước và niêm yết công khai tại các điểm giới thiệu dịch vụ”, bà Tiên cho biết thêm.

Cũng theo bà Tiên, mức lãi suất của Home Credit luôn luôn được đề cập rõ trong hợp đồng và khách hàng cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định ký. Khi đã quyết định rồi thì khách hàng cần thực hiện đúng nghĩa vụ của mình về việc thanh toán khoản vay. Trong trường hợp khách hàng gặp khó khăn về vấn đề tài chính thì có thể liên hệ công ty để công ty có biện pháp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng khách hàng dễ trở thành miếng mồi ngon cho các công ty vay tài chính
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng khách hàng dễ trở thành miếng mồi ngon cho các công ty vay tài chính

Đứng về góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: “Phông chữ nhỏ, bộ hợp đồng dầy cộp... với những ai đang cần tiền gấp, sơ suất không đọc kỹ thì sẽ vô tình trở thành món mồi ngon cho các đơn vị cho vay. Và đã nhiều con mồi sập bẫy vì ký vào những bản hợp đồng này!”.

Ông khuyến cáo: “Có vô số nguyên nhân để người đi vay bị rơi vào thế khó. Chỉ vì họ chỉ tính đơn giản phải trả bao nhiêu tiền trong một tháng, còn ít khi đánh giá những rủi ro khác cũng như tính toán mức lãi suất và số tiền thực trả. Và khi bị bó trong bộ hợp đồng thì người gặp rắc rối luôn là khách hàng. Khi mà phát sinh mâu thuẫn do người tiêu dùng không đọc kỹ hợp đồng thì người tiêu dùng chắc chắn là chịu thiệt!”.

Xuân Hinh