Nga lao đao khi bị EU siết tài sản, không thu được tiền bán dầu

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Châu Âu (EU) đã thống nhất sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ và trang bị vũ khí cho Ukraine. Nga hiện vẫn loay hoay với hàng tỷ rúp Nga đang "mắc kẹt" tại Ấn Độ.

Số phận tài sản Nga đã được châu Âu định đoạt

Mới đây, Tổng thống Bỉ thông báo rằng các đại sứ EU đã đồng ý về nguyên tắc về các biện pháp liên quan đến nguồn thu bất thường xuất phát từ tài sản cố định của Nga.

Đề xuất này nhắm tới số tiền thu được từ 205 tỷ USD trong các quỹ của Nga hiện được giữ tại cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ. Tổng cộng, các quốc gia phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD vốn chủ quyền của Moscow ở nước ngoài sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2024.

Theo bà Valerie Urbain, Giám đốc điều hành của Euroclear, cơ quan này đã tạo ra lợi nhuận 2-3 tỷ euro hàng năm từ tài sản của Nga, tùy thuộc vào lãi suất.

Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng số tiền này sẽ không chỉ trừng phạt Nga mà còn giảm bớt một số gánh nặng cho cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Ukraine sau hơn 2 năm chiến sự.

Theo đề xuất, EU hy vọng sẽ gửi 90% lợi nhuận để mua vũ khí cho Ukraine và 10% cho viện trợ phi quân sự, với đợt đầu tiên dự kiến vào tháng 7 tới đây.

Động thái này diễn ra sau nhiều tháng thảo luận giữa những quốc gia phương Tây về cách tốt nhất để sử dụng nguồn vốn, tài sản bị đóng băng của Nga. Mỹ đã đề xuất tịch thu toàn bộ tài sản của Nga, nhưng cho đến nay vẫn vấp phải sự phản đối từ EU.

Chia sẻ với báo chí, giám đốc điều hành của Euroclear cảnh báo điều này có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế lớn quay lưng lại với châu Âu vì họ lo ngại tài sản của mình sẽ bị tịch thu.

Trong khi đó, Nga nhấn mạnh việc tịch thu vốn, tài sản của Moscow hoặc bất kỳ hành động tương tự nào sẽ không chỉ là hành vi trộm cắp và vi phạm luật pháp quốc tế mà còn làm suy yếu niềm tin vào cả hệ thống tiền tệ phương Tây cũng như hệ thống tài chính toàn cầu.

Nga lao đao khi bị EU siết tài sản, không thu được tiền bán dầu - 1

Tàu chở dầu gần thành phố cảng Nakhodka, Nga (Ảnh: Reuters).

Thất bại trong nỗ lực thu hàng tỷ USD từ dầu mỏ

Sau nhiều nỗ lực, Nga vẫn không thể nhận về hàng tỷ rúp đang "mắc kẹt" tại các ngân hàng Ấn Độ. Thay vào đó, Moscow sẽ sử dụng số tiền này để đầu tư vào cổ phiếu và cơ sở hạ tầng tại quốc gia châu Á.

Tận dụng vị thế là một quốc gia thân thiện với Nga, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã tận dụng cơ hội mua dầu giá rẻ của Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 khiến phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow.

Từ mức gần như bằng 0 vào tháng 1/2022, một tháng trước khi xung đột nổ ra, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ tăng vọt lên 1,27 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2023, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Vortexa.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, Ấn Độ bắt đầu ồ ạt nhập khẩu dầu Nga nhằm tranh thủ mức giá giảm sâu. Nhờ vậy, Nga đã trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 2 của Ấn Độ, chỉ sau Trung Quốc.

Nước này đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 55,6 tỷ USD từ Nga trong năm 2023-2024, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu xăng dầu chiếm phần lớn, lên tới 46 tỷ USD.

Ấn Độ cũng được phép thanh toán bằng đồng rúp. Tuy nhiên, phương thức này gặp phải vấn đề do các hạn chế trong việc chuyển rúp về Nga từ tài khoản ngân hàng Ấn Độ.

Vào tháng 5 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hàng tỷ rúp đã bị mắc kẹt trong các ngân hàng Ấn Độ và Moscow đã nỗ lực tìm cách chuyển một phần số tiền này về nước.

Một trong những phương án được đưa ra là chuyển đổi hàng tỷ rúp sang đồng dirham của UAE hoặc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nỗ lực đó dường như không thành công.

Theo RT, The Economic Times