1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Nếu giữ quan điểm hiện nay, hàng trăm năm nữa mới làm xong đường sắt đô thị

Mộc An

(Dân trí) - Tại phiên họp đầu tiên của Tổ biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của đột phá về quan điểm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2026-2030.

Sáng 20/3, Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội họp phiên đầu tiên, với mục tiêu góp ý cho dự thảo Đề cương Báo cáo kinh tế - xã hội. Tổ biên tập được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 12/3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng. 

Nhiệm vụ trọng tâm của tổ này là tham mưu Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 (gọi tắt là Báo cáo kinh tế - xã hội), trình Tiểu ban thông qua để trình Đại hội Đảng.

Dự thảo Đề cương Báo cáo được xin ý kiến gồm 3 phần: Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030; tổ chức thực hiện.

Khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải đánh giá, nhận định thật đúng, thật sát thực trạng phát triển, dự báo chính xác tình hình và đề xuất được các giải pháp đột phá để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trong bối cảnh giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nếu giữ quan điểm hiện nay, hàng trăm năm nữa mới làm xong đường sắt đô thị - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phiên họp (Ảnh: MPI).

Bộ trưởng cũng đề nghị thành viên Tổ biên tập góp ý chi tiết về 3 đột phá chiến lược gồm: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Những vấn đề quan trọng này được đặt ra trong bối cảnh biến động thế giới, các xu hướng mới, sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng lấy ví dụ về việc phát triển đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc- Nam, các tuyến kết nối với cảng biển trung chuyển quốc tế, kết nối quốc tế, đường sắt đô thị để xây dựng nền tảng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.

Bộ trưởng nhấn mạnh nếu không tập trung nguồn lực đầu tư, mạnh dạn đầu tư để tạo động lực thì khó hoàn thành mục tiêu thành nước phát triển vào năm 2045.

"Nếu giữ quan điểm như hiện nay thì hàng trăm năm nữa chúng ta mới làm được đường sắt đô thị. Trong khi mục tiêu năm 2045 chúng ta thành nước phát triển. Phát triển như nào nếu chúng ta không tạo tiền đề cho nó? Không có lộ trình hướng tới thì làm sao chúng ta đạt được mục tiêu? Đây là quan điểm rất quan trọng, cần làm rõ. Chúng ta cần phải có quan điểm mới nhưng vẫn đảm bảo ổn định, có tính kế thừa, phát triển, khả thi", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong bối cảnh phát triển mới, nhiều quan điểm trọng tâm trong 5 năm tới được đưa ra như phải có các giải pháp đột phá, tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, lấy phát triển để duy trì ổn định mới có thể đạt được các mục tiêu chiến lược.

Bên cạnh đó, dự thảo cho rằng cần quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn làm động lực cho tăng năng suất lao động, tăng trưởng cao, bền vững.

Dự thảo cũng nhấn mạnh việc ưu tiên tập trung đầu tư nguồn lực và chính sách để phát triển các ngành công nghiệp mới (chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, vật liệu mới…), các ngành dịch vụ, mô hình kinh tế mới (trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do…), đẩy mạnh tự chủ, tự cường, từng bước làm chủ công nghệ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm