1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Các nước có luật cả trăm năm, mình mới xây thì chồng chéo là bình thường

Mộc An

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện nay chúng ta đang trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, việc chồng chéo là bình thường. Điều quan trọng là phải phát hiện, điều chỉnh bổ sung kịp thời.

5 vấn đề của nền kinh tế đầu năm 2023

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay (1/6), Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức đúng như các đại biểu trao đổi tại kỳ họp vừa qua.

Về tình hình kết quả đầu năm 2023, từ cuối năm 2022 tình hình đã trở nên rất phức tạp, rất khó khăn. Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã nhận diện hết các tình hình, có biện pháp, quyết sách để đối phó. Bộ trưởng cũng giải thích về các vấn đề được đại biểu đặt câu hỏi về hệ thống pháp luật cho đến năng lực của nền kinh tế.

"Chúng ta đang là nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, do vậy hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Các nước phát triển khác người ta có hàng trăm hệ thống pháp luật đã hoàn thiện. Chúng ta bây giờ mới làm, đang trong quá trình chuyển đổi thì việc có thể có vấn đề này vấn đề kia, mâu thuẫn chồng chéo hay xung đột hay chưa đồng bộ, chưa đầy đủ là bình thường. Cái quan trọng là chúng ta phải phát hiện kịp thời và kịp thời điều chỉnh, kịp thời bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn", Bộ trưởng trả lời. 

Thứ 2, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng thừa nhận năng lực chống chịu, thích ứng và đối phó trước biến động bên ngoài cũng như năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế khi độ mở cao.

Nguyên nhân thứ 3 là hậu quả của dịch Covid-19 để lại rất nặng nề. Các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phải gồng mình chống chịu trong thời gian qua, năng lực đã bị bào mòn đáng kể thì nay còn bị tác động bởi nhiều yếu tố mới. 

Thứ 4 là quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây. Các hoạt động kinh tế, các thị trường phát triển nhanh, đa dạng, liên kết chặt chẽ với nhau ảnh hưởng tác động đến nhau nhiều hơn. 

Cuối cùng là một số bộ phận cán bộ đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh trong nhiệm vụ của mình. 

Các nước có luật cả trăm năm, mình mới xây thì chồng chéo là bình thường - 1

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu khái quát tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2023 (Ảnh: Quochoi.vn).

Kết quả tích cực hơn so với nhiều nước

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả tăng trưởng 3,32% của quý I dù chưa đạt được như Quốc hội giao nhưng tích cực so với các nước tăng trưởng thấp, thậm chí có nước tăng trưởng âm. 

Ông lấy ví dụ Mỹ tăng trưởng 1,1%, châu Âu tăng trưởng 1,3%, Nhật Bản là 1,3% hay Thái Lan 2,7%. Cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục đánh giá tích cực vào môi trường đầu tư và triển vọng kinh tế. Quan trọng hơn cả là chúng ta duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được đảm bảo. Thị trường dịch vụ du lịch phục hồi mạnh. 

 Chính phủ đã nhận diện được và tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình. Đồng thời tháo gỡ được các vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, tận dụng các cơ hội mới để phát triển, đạt được mục tiêu cao nhất của năm 2023 mà Quốc hội đã giao.

Bộ trưởng cũng điểm nhanh về một số vấn đề nổi cộm như chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành văn bản hướng dẫn đã đầy đủ. Ông tin rằng sắp tới Chính phủ sẽ chỉ đạo để giải ngân nhanh nguồn vốn này.

Về khó khăn của doanh nghiệp như nhiều đại biểu nêu, bộ trưởng cho biết hiện có 3 vấn đề lớn gồm thị trường, dòng tiền, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường còn cao. Các khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm thu nhập.

"Đây là vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp người dân như giảm lãi suất, điều kiện vay, giảm thuế phí lệ phí, mở rộng thị trường,... Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉ đạo có những biện pháp, có những cơ chế chính sách có thể mạnh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn, để có thể hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động, nền kinh tế trong thời gian tới", ông khẳng định.