Năng suất thấp, trả lương cao, lao động Việt sẽ bị máy móc thay thế!

(Dân trí) - Trong khi năng suất lao động của Việt Nam 10 năm trở lại đây (2004 - 2015) chỉ đạt 4,4% nhưng số tăng trưởng bình quân của tiền lương đã đạt 5,8%. Tăng lương cao hơn tăng năng suất lao động sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) thay thế máy móc bằng con người, giảm lợi nhuận của DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Báo cáo về thực trạng tăng trưởng tiền lương với năng suất lao động tại Việt Nam tại Hội thảo Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng nay (13/9), các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cùng các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản đã chỉ rõ nhiều bất cập trong quy trình tăng lương của Việt Nam.

Mức Tăng lương trung bình của Việt Nam không theo quy định nào - TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nói.
Mức Tăng lương trung bình của Việt Nam không theo quy định nào - TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nói.

Cụ thể, theo báo cáo của các chuyên gia VEPR, chi phí lương tối thiểu các DN tại Việt Nam phải gánh chịu gần chạm mức chi phí tại Thái Lan và cao hơn mức chi phí của Indonesia. Đóng góp vào bảo hiểm ở Việt Nam khá lớn, điều này có thể tạo ra khoảng trống thuế giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tỷ lệ tăng lương tối thiểu/năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đến 50% năm 2015. Xu hướng này không giống với các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Cụ thể, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR minh hoạ: Trong 10 năm giai đoạn 2004 - 2015, tăng lương trung bình và năng suất lao động của Việt Nam so với với các nền kinh tế Châu Á khác có xu hướng khác biệt.

Cụ thể, Trung Quốc có tốc độ tăng năng suất lao động là 9,1%, nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ khoảng 8,8%, thấp hơn so với tốc độ tăng năng suất. Tại ASEAN, Indonesia có tốc độ tăng năng suất lao động 3,6% nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ 2,6%. Hai nước Philippines và Singapore có tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động.

TS Thành cho hay: Tăng lương tối thiểu một cách liên tục không liên quan gì đến năng suất lao động, điều này khác hoàn toàn với các nước trong khu vực. Các chuyên gia quốc tế và ngay cả bản thân người nghiên cứu chính sách như chúng tôi tự hỏi Việt Nam có quy luật nào để điều chỉnh lương tối thiểu? Việc tăng lương phải chăng chỉ để thỏa mãn người lao động và phần lớn quần chúng nhân dân nhưng không tính đến những tác động tổng thể của nó đối với năng lực của nền kinh tế.

Trong khi đó, Việt Nam tốc độ tăng năng suất chỉ đạt 4,4% nhưng tốc độ tăng lương trung bình đạt 5,8%

Theo ông Thành, tăng lương/tăng năng suất lao động của Trung Quốc đáng được lưu tâm bởi điều này giống như Nhật Bản áp dụng từ những năm 60. Tăng lương tối thiểu thấp hơn tăng năng suất điều này đảm bảo tích lũy tư bản cho nhà đầu tư tốt hơn, điều kiện kinh doanh của DN tốt hơn, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này giải thích tại sao nền kinh tế Trung Quốc đã và đang thay đổi rất nhanh chóng.

Ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, tăng lương cao hơn tăng năng suất khiến các nhà đầu tư giảm tích lũy tư bản, không kích thích được đầu tư.

Ông Thành nhấn mạnh, việc tăng tiền lương tối thiểu từ năm 2010, cho 4 vùng kinh tế và 2 loại hình doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài) khiến sự gia tăng rất mạnh cho tiền lương tối thiểu cho các DN. Ngoài ra vấn đề chi phí bảo hiểm, chi phí công đoàn đã và đang gây áp lực cho các DN.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Viện VEPR cho biết: "Hiện 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng, số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng vì số lao động không có hợp đồng không được áp dụng mức lương tối thiểu".

TS Futoshi Yamauchi, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Hoa Kỳ cho hay: Tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay tiêu cực nhiều hơn là tích cực, về góc độ kích thích đầu tư, tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của DN giảm đi 2,3%.

Hiện nay, theo nghiên cứu của WB, nếu mức tăng lương lao động tối thiểu hoặc lương lao động trung bình cao hơn thì có thể khiến tác động tiêu cực đến chính lao động nghèo. Cụ thể, để giảm chi phí lao động, các DN sẽ sử dụng ngày càng nhiều máy móc thay vì sử dụng lao động như trước kia. Những ngành thâm dụng lao động như dệt may, thủy hải sản, lắp ráp điện tử... sẽ phải bắt buộc đầu tư mua sắm các dây chuyền, máy móc tự động để giảm chi phí.

"Lương tối thiểu không bảo vệ người lao động và không công bằng đối với người không được bảo vệ bởi lương tối thiểu (người không có hợp đồng lao động). Bước đầu, có thể coi tăng lương tối thiểu là thất bại của chính sách", TS Nguyễn Đức Thành, nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền