Việt Nam: 1 doanh nghiệp "gánh" 200 người dân

(Dân trí) - Chúng ta đang có tỷ lệ 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp. Đất nước muốn phát triển thì phải có nhiều doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp của chúng ta đang rất khó khăn về tiếp cận vốn và một "rừng thông tin" rối rắm.

Đó là phát biểu của ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) Việt Nam tại hội thảo “Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) khởi nghiệp đổi mới và năng động trong khu vực APEC” diễn ra ngày 11/9 tại TPHCM.

Theo Chủ tịch ABAC, Việt Nam đang có tỷ lệ 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp. Mà đất nước muốn phát triển thì phải có nhiều doanh nghiệp. "Nghị quyết Trung ương 5 đã chuyển đổi trọng tâm từ doanh nghiệp nhà nước sang hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Đây sẽ là động lực để đất nước chúng ta phát triển", ông Dũng nói.

Hội thảo “Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) khởi nghiệp đổi mới và năng động trong khu vực APEC” diễn ra ngày 11/9 tại TPHCM
Hội thảo “Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) khởi nghiệp đổi mới và năng động trong khu vực APEC” diễn ra ngày 11/9 tại TPHCM

TS Huỳnh Huy Hoà, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng cho rằng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới 35%/năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nói chung.

"Trong khối doanh nghiệp MSMEs của Việt Nam, 40% người sáng lập dưới 40 tuổi; 80% tốt nghiệp cao đẳng, đại học; 88% người sáng lập tham gia khảo sát không có kinh nghiệm nghề hoặc từng học tập, làm việc ở nước ngoài; 65% công ty có dưới 10 lao động thường xuyên", ông Hòa nói.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, có 3 trở lực chính ngăn cản MSMEs là tiếp cận tài chính và vốn, thủ tục và quy định của Chính phủ, khó thuê và giữ người lao động.

Đại diện nhà quản lý quỹ đầu tư Venture Capital cho rằng, các startups Việt Nam cũng như trong khu vực APEC khá giống nhau là gặp khó khăn khi huy động vốn. Ở Việt Nam không có nhà đầu tư thiên thần, hiếm hoi các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính sách và thủ tục hành chính là một “rừng thông tin” rối rắm và phức tạp.

"Nếu không rõ ràng ngay từ đầu thì nhóm MSMEs này sẽ bị đẩy vào nền kinh tế ngầm, phi chính thống. Hệ luỵ là Chính phủ thất thu thuế, các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô sẽ gặp sai số lớn", đại diện Venture Capital cảnh báo.

Đồng tình với đánh giá trên, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp "vươn ra biển lớn", khuyến nghị đầu tiên của ABAC là áp dụng khoa học công nghệ để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kết nối khu vực. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất. Sau đó là giải pháp tài chính và đào tạo nguồn nhân lực để các doanh nghiệp MSMEs có môi trường bình đẳng, hòa nhập vào thị trường thế giới tốt hơn. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia tích cực của các thành viên APEC trong mở rộng các dịch vụ tài chính, các kênh phân phối, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp cung cấp các hỗ trợ đào tạo truyền thông kiến thức về tài chính.

Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của phụ nữ trong khu vực, tạo điều kiện cho phụ nữ đảm nhận các vai trò quan trọng trong xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng.

"Phải làm được những việc này thì mới có hy vọng giúp doanh nghiệp. Mà muốn làm được thì chúng ta phải giải quyết thủ tục pháp lý và những giải pháp căn cơ từ Chính phủ", ông Dũng nói.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cùng nhận định rằng: Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và khởi nghiệp là nhân tố thúc đẩy sáng tạo và phát triển mạnh mẽ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có vị trí quan trọng trong việc định hình một nền thương mại mới.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều các quỹ đầu tư phi truyền thống đầu tư vào các công ty sáng tạo, mang tới nhiều cơ hội lớn cũng đồng thời thách thức và thúc đẩy ý tưởng mới, thay đổi để tạo hệ sinh thái sáng tạo lớn hơn, thay đổi cách mà MSMEs đang thực hiện kinh doanh.

Đầu tư vào sáng tạo là bài học thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, trong khu vực APEC nói chung cần tham khảo hướng đi này.

Công Quang