1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Năng suất lao động Việt Nam thua Campuchia ở cả "niềm tự hào xuất khẩu"

(Dân trí) - Mặc dù ngành chế biến, chế tạo được xem là động lực của nền kinh tế và có giá trị xuất khẩu cao nhưng với nghiên cứu của mình, nhóm tác giả "Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018" khẳng định: Năng suất lao động Việt Nam ở ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và vận tải đang "xếp sau" Campuchia

Đây là khẳng định trong Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với các tổ chức quốc tế công bố sáng nay 8/5/ tại Hà Nội.

Ngành chế biến, chế tạo dù được xem là động lực tăng trưởng, tạo giá trị xuất khẩu của Việt Nam nhưng năng suất lao động lại xếp sau Campuchia
Ngành chế biến, chế tạo dù được xem là động lực tăng trưởng, tạo giá trị xuất khẩu của Việt Nam nhưng năng suất lao động lại xếp sau Campuchia

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề "Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất" do PGS, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR và GS Ohno Kenichi - Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) công bố lần thứ 10 dù có đánh giá năng suất lao động Việt Nam đã có mức tăng trưởng tuy nhiên, mức độ hạn chế và không cải thiện nhiều.

Cụ thể, theo nhóm tác giả, năng suất lao động (NSLĐ) bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm.

Trong giai đoạn 2006-2012, tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam giảm từ 4,05% (2006) xuống còn 3,06% (2012), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,29%/năm.

Giai đoạn 2012-2017, NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%. Nhìn chung, giá trị NSLĐ tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm.

Tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có NSLĐ ở mức cao là các ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, hoạt động kinh doanh bất động sản, cung cấp nước.

Trên phương diện so sánh quốc tế, NSLĐ của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia). Kết quả cho thấy, tới 2015, NSLĐ của 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi là dẫn dắt cho nền kinh tế, có đóng góp cho xuất khẩu cao nhưng NSLĐ chưa cao. Trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

"NSLĐ của Việt Nam ở ba ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi và truyền thông hiện thấp nhất trong các nước so sánh, xếp sau cả Campuchia", báo cáo của Viện VEPR chỉ rõ.

Theo nhóm tác giả, NSLĐ của Việt Nam ở các ngành nông nghiệp, điện nước và khí đốt, bán buôn, bán lẻ và sửa chữa hiện xếp gần cuối trong ASEAN, chỉ cao hơn Campuchia.

Trong khi đó, NSLĐ của Việt Nam ở các ngành có giá trị gia tăng thấp như khai mỏ, khai khoáng, bất động sản, dịch vụ tài chính... lại cao hơn một số nước trong khu vực. Điều này cho thấy cơ cấu kinh tế chưa được chuyển dịch, nguồn lực đầu tư đang được chuyển dịch nhiều vào các ngành, lĩnh vực cũ, có giá trị gia tăng thấp.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để cải thiện NSLĐ, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động.

Đặc biệt, Việt Nam cần chú trọng vào đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.

Nhóm chuyên gia khuyến cáo: Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về NSLĐ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế.

Nguyễn Tuyền

Năng suất lao động Việt Nam thua Campuchia ở cả "niềm tự hào xuất khẩu" - 2