Năng lực cạnh tranh: Đáng lo ngại!

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Năng lực cạnh tranh: Đáng lo ngại!
Sức khỏe của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: Khả Doanh.

Thứ hạng trung bình

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Ngày 28/11, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch- Đầu tư Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp tổ chức hội thảo "Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế".

Theo Báo cáo của WEF về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế. Còn theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78 trên 189 nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: Rõ ràng, tuy đã có nhiều nỗ lực, song năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới sâu rộng hơn. Theo ông Bùi Thanh Sơn, hội nhập kinh tế càng sâu, sân chơi càng rộng thì cạnh tranh càng quyết liệt, do đó nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

"Chính phủ Việt Nam nhất quán xác định cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và thường xuyên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội" - ông Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Thế nhưng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Chính phủ, mà cần cả sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp.

Bình luận về xếp hạng của WEF, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh 3 từ "đáng lo ngại".

Cụ thể theo phân tích của ông Vũ Tiến Lộc, xét về yếu tố thể chế kinh tế, Việt Nam xếp hạng 92 thế giới, đứng thứ 9 trên 10 quốc gia của khu vực ASEAN, chỉ hơn Myanmar.

Nhóm yếu tố về sáng tạo, Việt Nam xếp hạng 87 thế giới. Chất lượng giáo dục rất quan trọng cho hai yếu tố này nhưng tương tự những năm trước đây, giáo dục và đào tạo bậc cao của Việt Nam lại bị xếp hạng ở tận vị trí 96, cho dù nhóm về giáo dục và y tế cơ bản Việt Nam được đánh giá tương đối tốt, xếp hạng 61.

Một điểm đáng lưu ý nữa là mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của Việt Nam xếp hạng 99.

"Điều đó nói lên phần nào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó được cải thiện trong ngày một ngày hai" - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Chi phí rẻ sẽ không còn là lợi thế

Kết quả khảo sát ý kiến của gần 2.000 nhà đầu tư nước ngoài do VCCI thực hiện trong 2 năm gần đây cho thấy, lý do hàng đầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là nhằm giảm chi phí bởi giá lao động rẻ, ưu đãi về thuế và đất đai hay các yếu tố như ổn định chính trị, xã hội…

Đáng chú ý, trong 10 lý do hàng đầu để các nhà đầu tư chọn Việt Nam không có yếu tố nào thuộc về chất lượng điều hành của các chính quyền (như cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát tham nhũng, bảo vệ quyền tài sản, bảo hộ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ…).

Trong khi đó, qua phân tích từ nghiên cứu của VCCI, chính chất lượng điều hành là nhu cầu hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, công nghệ tốt, mang lại nhiều giá trị gia tăng...

Đánh giá cao những giải pháp gần đây của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Việt Nam chắc còn cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để cải thiện chất lượng hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Nhưng điều Việt Nam có thể làm được để trở nên hấp dẫn và cạnh tranh hơn một cách ít tốn kém từ cả góc độ thời gian và chi phí chính là nhanh chóng và quyết liệt nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện thủ tục hành chính.

Ông Thierry Ginger, Phó Giám đốc chương trình Mạng lưới đánh giá toàn cầu của WEF nhận định: Nếu có nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao hơn, Việt Nam sẽ có khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.

Hiện thứ hạng của Việt Nam vẫn còn ở mức trung bình trong ASEAN. Theo ông Thiery Ginger, một số điểm yếu của Việt Nam là thể chế, giáo dục bậc cao, phát triển thị trường tài chính, sẵn sàng áp dụng công nghệ tiên tiến.

"Đây là những vấn đề khá lo ngại, vì Việt Nam đang ở ngã tư đường. Nguồn lực truyền thống giúp Việt Nam phát triển nhanh trong quá khứ như nhân công rẻ đang dần xóa bỏ. Cho nên Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động của mình cũng như tăng cường chất lượng các dịch vụ để có thể tăng hiệu quả của doanh nghiệp, tăng mức độ cạnh tranh của Việt Nam " - ông Thierry Ginger nói.

Chuyên gia WEF cảnh báo: Nếu không cải thiện được khả năng cạnh tranh quốc gia, Việt Nam sẽ không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam sẽ không trở thành nơi các công ty nước ngoài chọn đặt địa điểm sản xuất.

Theo Lương Bằng
Báo Hải quan
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”