1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Năm hạn” của những đại gia phố núi

(Dân trí) - Mặc dù nền kinh tế trong năm 2015 được đánh giá là đã hồi phục với sự “ấm” lên của bất động sản cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của những lĩnh vực khác, tuy nhiên, có vẻ như đối với những “đại gia phố núi” Gia Lai thì 2015 lại là một năm không mấy may mắn.


Tài sản của các đại gia phố núi Gia Lai bốc hơi mạnh trong năm 2015.

Tài sản của các đại gia phố núi Gia Lai "bốc hơi" mạnh trong năm 2015.

Đầu tiên phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai. Giá cổ phiếu của tập đoàn này gần như trong tình trạng “đổ đèo” suốt 1 năm qua. Trong năm 2015, tổng cộng HAG giảm giá 11.700 đồng/cp, tương ứng “bốc hơi” gần 53% thị giá và 15 ngày đầu tiên giao dịch của năm 2016, mã này tiếp tục ghi nhận giảm thêm 4,81% còn 9.900 đồng, thấp hơn mệnh giá.

Mặc dù doanh thu thuần tăng 117% so với cùng kỳ 2014 nhờ kết quả khả quan từ nuôi bò và trồng mía; tổng tài sản tăng mạnh; số dư tiền và tương đương tiền tăng hơn gấp đôi so với đầu năm tuy nhiên, báo cáo tài chính của HAG cũng cho thấy khoản nợ phải trả của doanh nghiệp này đã vượt 30.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn gần như tương đương với tài sản ngắn hạn (hơn 13.000 tỉ đồng).

Hồi tháng 7 năm ngoái, cổ phiếu HNG của công ty con là Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai chào sàn. Tuy nhiên, kể từ thời điểm mới niêm yết cho đến nay, thị giá HNG cũng giảm mạnh 9.500 đồng, tương ứng với hơn 28%.

Để trả cổ tức cho cổ đông công ty mẹ, Hoàng Anh Gia Lai đã dự kiến lấy cổ phiếu công ty con là HNG để thanh toán. Tuy nhiên, phương án này gây ra nhiều tranh cãi. Sau khi thông tin này được đưa ra thì giá cổ phiếu HAG và HNG đều tiếp đà giảm mạnh.

Diễn biến tiêu cực của giá cổ phiếu đã khiến tài sản chứng khoán của ông Đoàn Nguyên Đức “bốc hơi” mạnh trong năm qua. Từ vị trí giàu thứ hai thị trường chứng khoán, bầu Đức đã tụt xuống vị trí thứ 4 danh sách này. Tính đến nay, tài sản của bầu Đức đã hao hụt 4.131 tỉ đồng (khoảng 54,5% số tài sản tại ngày 31/12/2014).

Cũng trong năm qua, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai xuống giá thảm hại. Cuối năm 2015, giá DLG giảm 29,3% so với đầu năm; tới thời điểm này, biên độ giảm đã là 45,5% so với 31/12/2014. Thị giá DLG nay chỉ còn 5.400 đồng/cp – tương đương với 1 mớ rau!

Tình trạng giảm điểm mạnh nhất của DLG diễn ra trong tháng cuối cùng của năm 2015 khi thị trường xuất hiện tin đồn lãnh đạo DLG bị thanh tra. Sau tin đồn này, Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này – ông bầu bóng chuyền Bùi Pháp đã lên tiếng phủ nhận mọi tin đồn thất thiệt, từ đó giúp DLG tăng trở lại. Ông Pháp hiện nắm 33,8 triệu cổ phần tương đương với 20% vốn điều lệ DLG (gần 200 tỉ đồng).

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng khá bi đát trong năm 2015. Thị giá của QCG hiện chỉ còn 4.500 đồng/cp, giảm 53,6% so với thời điểm 31/12/2014.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản đã giúp kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai càng về cuối năm càng được cải thiện với mức lãi ròng quý 3 đạt 13,5 tỉ đồng và 9 tháng là 18 tỉ đồng, gần gấp 3 cùng kỳ. Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm của công ty bị âm 345 tỉ đồng. Dư tiền và tương đương tiền đến thời điểm 30/9/2015 còn 13 tỉ đồng so với mức 106 tỉ đồng đầu năm.

Điểm đáng lo ngại đối với QCG là tồn kho lớn và nợ cao. Cuối quý III, doanh nghiệp này còn tới 5.311,4 tỉ đồng hàng tồn kho (cao hơn cùng kỳ); nợ phải trả tăng lên 3.749,4 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn trên 1.900 tỉ đồng (cao hơn so với tài sản ngắn hạn là 1.751 tỉ đồng).

Bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch QCG hiện đang là người phụ nữ giàu thứ 6 thị trường chứng khoán (Top nữ) với 460 tỉ đồng tài sản cổ phiếu, tuy nhiên, nguyên nhân gia tăng tài sản năm qua không đến từ giá mà đến từ việc bà Loan nhận thêm cổ phiếu cấn trừ nợ của công ty.

Bích Diệp

 

“Năm hạn” của những đại gia phố núi - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm