1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Năm chỉ có một lần, khách xếp hàng chờ mua loại bánh chi chít trứng kiến

An Chi

(Dân trí) - Bánh trứng kiến là đặc sản của người Tày, mỗi năm chỉ có một lần, thế nên, thượng khách muốn thưởng thức phải xếp hàng, thậm chí chờ cả tuần mới tới lượt.

Lý giải về "cơn sốt", độ hiếm của bánh trứng kiến, chị Ma Thị Chiến (Tuyên Quang) cho rằng, phần nhân và lá gói loại bánh này đều không có sẵn, người dân phải đi vào rừng săn tìm. Hơn nữa, mùa trứng kiến chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, từ cuối tháng 2 cho đến tháng 4 hàng năm. 

"Loại trứng dùng để gói bánh phải có tổ sống ở trên cây, thuộc dòng kiến đen, nằm sâu trong rừng. Sau khi lấy về, mọi người phải tách con kiến ra, chỉ giữ lại phần trứng. Một cân trứng kiến hiện nay dao động 250.000 - 300.000 đồng" - chị nói.

Năm chỉ có một lần, khách xếp hàng chờ mua loại bánh chi chít trứng kiến - 1

Bánh trứng kiến là đặc sản của người Tày.

Chị Chiến cho biết, do quê chị ở Tuyên Quang nên thi thoảng hay mang bánh trứng kiến xuống Hà Nội cho mọi người thưởng thức. Sau thấy bánh ngon, lạ miệng nên nhiều người hỏi, đặt mua, chị mới chuyển sang kinh doanh. Nhưng do nguyên liệu làm bánh khan hiếm nên cứ cách 2 ngày 1 lần, chị mới gom đơn, trả hàng cho khách.

"Tôi sẽ mở đơn vào một ngày ấn định trong tuần để khách đăng ký, đủ số lượng tôi sẽ dừng nhận hàng. Bánh nhà tôi, nhân chỉ nguyên trứng kiến và lá kiệu nên giá bán sẽ nhỉnh hơn thị trường một chút là 12.000 đồng/chiếc" - chị cho hay.

Năm chỉ có một lần, khách xếp hàng chờ mua loại bánh chi chít trứng kiến - 2

Bánh được gói bằng lá vả.

Tương tự, anh Vũ Hải, một tiểu thương chuyên đồ rừng ở Hà Nội cho biết, bánh trứng kiến hiện là sản phẩm bán chạy nhất nhà anh. Do số lượng có hạn nên anh chỉ ưu tiên khách đặt bánh trước, không nhận giữ hàng.

"Không phải loại trứng kiến nào cũng mang ra làm bánh được, chỉ có trứng của loại kiến đen hay làm tổ trên các cây tre, vầu, nứa mới ăn được. Thông thường, quả trứng chỉ lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn trịa" - anh tiết lộ.

Theo anh Hải, để có đủ nguồn cung, anh phải liên hệ với một đầu mối trên Cao Bằng gói bánh chuyển về Hà Nội. Bánh sẽ được luộc chín, để ráo nước và theo đường xe khách về tận địa chỉ nhận hàng. Nhẩm tính, mỗi ngày, anh bán ra thị trường từ 80 - 100 chiếc, thu về cả triệu đồng.

"Người làm bánh họ phải đi thu mua trứng kiến từ người đi rừng nên số lượng làm ra nhiều hay ít đều phụ thuộc vào nguồn cung. Do đó, dòng bánh này mới khan hiếm như thế dù giá bán không hề đắt, chỉ từ 12.000 - 15.000 đồng/chiếc" - anh kể.

Chị Hà Thư, nhân viên văn phòng ở Mỹ Đình (Hà Nội) tâm sự, cứ đến giữa tháng 3 hàng năm, chị đều đặt mua bánh trứng kiến. Mỗi lần, chị thường mua 15 - 20 chiếc bánh về thiết đãi gia đình. Tuy nhiên, chị cũng cảnh báo, người hay bị dị ứng với nhộng, côn trùng thì không nên sử dụng.

"Tôi thường mua bánh của người quen, gốc ở Tuyên Quang, Cao Bằng vì họ gói theo cách truyền thống, nêm gia vị phù hợp nên ăn rất thích. Cứ đến mùa trứng kiến là tôi lại lùng mua bằng được thứ bánh đặc sản này" - chị tâm sự.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm