1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mỹ vẫn là thị trường hàng xa xỉ "nóng" nhất thế giới

(Dân trí) - Được đánh giá là động lực tăng trưởng, là tương lai của ngành hàng xa xỉ thế giới, nhưng trong mắt CEO các nhà sản xuất hàng hiệu, Trung Quốc chỉ là thị trường tiềm năng. Hiện Mỹ vẫn giữ ngôi đầu trong những thị trường “nóng” nhất.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo kênh tin tức tài chính CNBC, đây là kết quả khảo sát vừa được tạp chí Departures phối hợp cùng công ty nghiên cứu Ledbury Research, tiến hành với CEO các hãng sản xuất hàng xa xỉ hàng đầu thế giới.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo đó Bắc Mỹ vẫn được lãnh đạo các công ty này đánh giá là thị trường quan trọng nhất đối với tăng trưởng của họ trong vòng 5 năm tới. Tiếp sau đó mới đến Đông Á, Tây Âu, Đông Âu và Trung, Nam Mỹ.

Có tới 89% số người được khảo sát khẳng định Bắc Mỹ là thị trường đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng của công ty mình.

“Mỹ thực sự là trọng tâm của nhiều CEO”, Steven DeLuca, phó chủ tịch kiêm tổng biên tập của Departures, một thành viên của tập đoàn xuất bản American Express Publishing cho biết. “Tôi nghĩ họ đang ít chú trọng tới Trung Quốc hơn trước”.

Hiện khách hàng từ Trung Quốc vẫn giúp gia tăng doanh số cho nhiều công ty hàng xa xỉ hàng đầu thế giới. Ví dụ như Coach, dù tăng trưởng yếu trên thị trường Mỹ, lại có tốc độ tăng doanh thu ở mức 2 con số trên thị trường Trung Quốc trong quý 3 vừa qua.

Ngoài ra, khách Trung Quốc cũng đang tiếp tục mua sắm hàng xa xỉ khắp thế giới, đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào doanh số hàng xa xỉ tại châu Âu, đặc biệt tại Paris.

Tuy vậy, trong những năm tới, giới nhà giàu Mỹ có khả năng sẽ vẫn là những người đóng góp lớn nhất cho thị trường hàng xa xỉ thế giới, vốn có quy mô khoảng 260 tỷ USD. CEO của các công ty hàng xa xỉ nhận định trong vòng 12 tháng tới, doanh thu của họ tăng trung bình khoảng 9%.

Khi được đề nghị liệt kê những yếu tố ảnh hưởng tới ngành hàng xa xỉ, các CEO được phỏng vấn khẳng định yếu tố đầu tiên là thương mại điện tử, sau đó là tốc độ tăng trưởng tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc và cuối cùng là hoạt động kinh doanh qua điện thoại.

58% CEO các công ty được khảo sát tin tưởng vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Trong khi đó những khu vực được đánh giá là yếu nhất thế giới gồm Trung Đông, Đông Nam Á, Nhật Bản và châu Phi.

Sự tập trung của các công ty hàng xa xỉ vào thị trường Mỹ dường như đã lớn hơn sau khi số liệu người giàu tại nước này được công bố tăng mạnh. Theo khảo sát của ngân hàng Credit Suisse, Thụy Sỹ, Mỹ tạo ra 94% số các triệu phú mới trên thế giới trong năm qua.

Tổng cộng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra 1,7 triệu trong tổng số 1,8 triệu người được xếp hạng triệu phú mới của thế giới trong 12 tháng qua. Trong khi đó con số này tại Trung Quốc chỉ là 90.000 người.

Việc các thị trường chứng khoán và tài sản tại Mỹ đang tăng trưởng tiếp tục là nguồn đóng góp của cải lớn nhất tại Mỹ. Và với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định duy trì chương trình kích thích kinh tế, hoạt động mua sắm hàng xa xỉ sẽ còn được hưởng lợi.

DeLuca cho biết trọng tâm của hoạt động kinh doanh hàng xa xỉ hiện không còn ở giá trị và các chiến lược tiếp thị diện rộng, mà ở các sản phẩm giá cao, độc đáo có thể tạo ra mức lợi nhuận biên lớn hơn.

86% số CEO được hỏi cho biết họ có kế hoạch tăng giá và/hoặc tăng cường sự tập trung vào các sản phẩm cao cấp, nhằm hướng tới phân khúc khách hàng giàu có nhất. “Sự nhạy cảm về giá đối với nhóm người tiêu dùng cao cấp này là rất thấp”, DeLuca khẳng định.

Thanh Tùng
Theo CNBC
 
Tỷ phú Buffett và những lời đồn quanh núi tiền mặt 40 tỷ USD