Arab Saudi định đánh sập giá dầu thô, Nga sẽ thất thu nặng nề?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Arab Saudi có thể tăng nguồn cung dầu thô trên thị trường để giành lại quyền kiểm soát giá cả. Động thái này có thể gây khó khăn cho Nga bởi nước này vẫn đang phụ thuộc vào nguồn thu từ năng lượng.

Nền kinh tế thời chiến của Nga có thể sẽ gặp khó khăn nếu Arab Saudi "đánh sập" giá dầu thô toàn cầu. Gần đây, Arab Saudi phát tín hiệu rằng giá dầu có thể rớt xuống còn 50 USD/thùng nếu OPEC không tuân thủ kế hoạch giảm sản lượng.

Theo các nhà phân tích, Arab Saudi đang bóng gió rằng nước này có thể khiến nguồn cung dầu tăng mạnh. Động thái trên sẽ khiến giá lao dốc, trừng phạt những thành viên OPEC và đồng minh không hợp tác trong việc hạn chế dòng chảy của dầu.

Arab Saudi trong thời gian qua đã cố kéo giá dầu lên 100 USD/thùng bằng cách thúc đẩy các quốc gia thành viên giảm sản lượng. Tuy nhiên tới nay, nỗ lực trên vẫn chưa thành và giá dầu thô quốc tế đang dao động quanh ngưỡng 80 USD/thùng.

Nguồn tin của Financial Times cho biết Arab Saudi có ý định thay đổi chiến lược bằng cách tăng sản lượng của nước này vào tháng 12.

Nga là một trong những nước sản xuất dầu dư thừa trong OPEC+. Theo dữ liệu mới nhất của S&P Global Ratings, trong tháng 7, sản lượng thực tế của Nga vượt hạn ngạch khoảng 122.000 thùng dầu/ngày.

Arab Saudi định đánh sập giá dầu thô, Nga sẽ thất thu nặng nề? - 1

Tàu chở dầu thô ở vịnh Nakhodka, Nga (Ảnh: Reuters).

Ông Luke Cooper, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Kinh tế London (Anh), nhấn mạnh rằng giá dầu thấp sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến khả năng tài chính của Nga. Vị chuyên gia cho rằng việc Nga bán dầu với giá chiết khấu và chi phí sản xuất liên tục tăng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của Moskva.

Các chuyên gia nhận định rằng có thể một số thành viên OPEC+ vi phạm thỏa thuận để tối đa hóa lợi nhuận. Trong trường hợp của Nga, Moscow đang đối mặt với áp lực phải gia tăng nguồn thu bởi cuộc xung đột đã khiến chi phí quốc phòng và an ninh trong 3 năm qua nhảy vọt. Ước tính 2 lĩnh vực này sẽ chiếm 40% tổng chi tiêu của chính phủ Nga vào năm 2025.

Trong khi đó, tình hình tài chính của Nga lại phụ thuộc vào dầu mỏ. Bộ Tài chính Nga cho biết vài năm trước sản lượng dầu mỏ và khí đốt chiếm 35% - 40% thu ngân sách của Nga.

Điều này là lý do phương Tây nỗ lực kìm hãm lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga, đặc biệt là thông qua việc G7 áp mức giá trần 60 USD/thùng với dầu thô có nguồn gốc từ Nga.

Nga né tránh mức giá trần này bằng cách sử dụng các tàu chở dầu "bóng tối" không đăng ký. Tuy nhiên, tình hình có thể xấu đi đáng kể nếu quyết định gia tăng sản lượng của Arab Saudi châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu giữa nước này với Nga.

Theo BI, Financial Times