Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã giảm mức thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với một số công ty xuất khẩu cá tra của Việt Nam xuống còn 0%, thấp hơn nhiều so với kết quả sơ bộ công bố hồi tháng 9/2010.

Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra - 1
Mức thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam đã được điều chỉnh xuống mức 0%.
 
Cụ thể, thay vì phải chịu mức thuế CBPG cao nhất lên đến 130% (4,22 USD/kg) cho các lô hàng cá tra xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn 1/8/2008 đến 31/7/2009, hai bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn và Vinh Quang được giảm thuế còn 0%.
 
Các bị đơn tự nguyện khác cũng được giảm thuế còn 0-0,2%. Mức thuế áp cho các doanh nghiệp còn lại không tham gia đợt xem xét trên (ngoài danh sách bị đơn bắt buộc và tự nguyện) là 2,11 USD/kg (khoảng 63,38%), bằng mức thuế của POR5.
 
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân có sự thay đổi về thuế “ngoạn mục” trên do DOC đã quay lại sử dụng số liệu từ Bangladesh thay vì Philippines bởi sự ổn định và chính xác hơn về các nguồn số liệu so sánh. Các năm trước đây DOC cũng dùng số liệu của Bangladesh để quyết định mức thuế CBPG của Việt Nam và mức thuế thường bằng 0.
 
Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục bị áp thuế CBPG khi Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC) đã đồng ý tiếp tục áp thuế này thêm 5 năm (từ 2011-2016).
 
Trước đó vào tháng 12/2010, DOC cũng đã công bố tiếp tục áp thuế CBPG đối với tôm nước ấm đông lạnh từ Việt Nam. Lý do mà DOC, ITC tiếp tục áp thuế CBPG với tôm Việt Nam là vì việc gỡ bỏ thuế này có thể dẫn tới việc tái diễn tình trạng bán phá giá.
 
Theo kết quả cuối cùng của đợt xem xét công bố cuối tháng 11/2010, các doanh nghiệp trong danh sách chịu mức thuế CBPG thấp nhất là 4,3-5,24%, doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế suất toàn quốc là 25,76%.
 
Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sau mỗi năm năm kể từ khi đánh thuế CBPG, cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu phải tiến hành rà soát, đánh giá và xác định liệu việc hủy bỏ thuế CBPG đối với sản phẩm nhập khẩu có ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước.
 
Liên quan đến việc Mỹ áp thuế CBPG đối với tôm, Việt Nam đã kiện Mỹ ra WTO. Theo đại diện của VASEP, WTO sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 5 tới và Việt Nam có rất nhiều khả năng thắng kiện vì cách tính quy về 0 “zeroing” của Mỹ là phi lý. Nếu thắng kiện, Mỹ sẽ phải áp dụng cách tính thuế CBPG mới và mức thuế của các công ty Việt Nam sẽ giảm mạnh, nhiều khả năng bằng 0.
 

EU bỏ thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam

Ngày 16/3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ chính thức bãi bỏ việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam kể từ ngày 31/3.

Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ-Luxembourg khẳng định thông tin trên đã được Công báo của EU đăng tải ngày 16/3, theo Thông báo số 2011/C 82/04 của Ủy ban châu Âu (EC) về việc thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc sẽ chấm dứt vào ngày 31/3 tới.

Tuy nhiên, Công báo cũng nêu rõ EC sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế giám sát trong vòng một năm nữa để đánh giá việc nhập khẩu giày mũ da từ Việt Nam và Trung Quốc.

Quá trình giám sát này nhằm giúp EC có thể sớm đưa ra các biện pháp trong trường hợp lại xảy ra tình trạng "bán phá giá".

Theo TTXVN/Vietnam+

 
Theo Trần Mạnh
Báo
Tuổi trẻ