Mỹ có thêm nửa triệu việc làm bất chấp lo ngại suy thoái

Nhật Linh

(Dân trí) - Tăng trưởng việc làm của Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong tháng 7, nâng số việc làm của nước này cao hơn cả mức trước đại dịch và "dội gáo nước lạnh" vào nỗi lo nền kinh tế suy thoái.

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo việc làm trong tháng 7 cho thấy các nhà tuyển dụng vẫn đang tiếp tục tăng lương mạnh và duy trì giờ làm việc lâu hơn cho người lao động.

Cụ thể, lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 528.000 việc làm trong tháng qua, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2. Dữ liệu tháng 6 cập nhật cũng cho thấy có 398.000 việc làm được tạo ra, thay vì con số 372.000 việc làm như báo cáo trước đó. Thị trường việc làm tháng 7 tăng tháng thứ 19 liên tiếp, đánh bật dự báo chỉ tăng thêm 250.000 việc làm của các nhà kinh tế.

Mỹ có thêm nửa triệu việc làm bất chấp lo ngại suy thoái - 1

Thị trường lao động duy trì mức tăng mạnh có thể tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất (Ảnh: Reuters).

Một khảo sát của Reuters cũng ước tính số việc làm tăng thêm trong tháng 7 chỉ dao động từ mức 75.000 đến 325.000 việc làm.

Thị trường lao động Mỹ hiện đã phục hồi toàn bộ số việc làm bị mất trong đại dịch, mặc dù các bộ phận của chính phủ vẫn còn trống 597.000 việc làm. Nếu so với tháng 2/2020, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra, tổng số việc làm hiện nay đã cao hơn 32.000 việc làm.

Như vậy, Mỹ chỉ mất 2,5 năm để khôi phục toàn bộ thị trường việc làm sau đại dịch, nhanh hơn nhiều so với thời gian ít nhất 6 năm sau cuộc Đại suy thoái 2007-2009.

Reuters cho rằng, thị trường lao động duy trì mức tăng mạnh có thể tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Tuần trước, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất chính sách thêm 0,75% và cam kết sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát khi CPI nước này tăng nóng ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Kể từ tháng 3 đến nay, Fed đã nâng lãi suất qua đêm từ mức zero lên biên độ từ 2,25% đến 2,5%.

Trong khi đó, nếu chiếu theo định nghĩa về suy thoái, việc GDP của Mỹ giảm trong quý I và quý II liên tiếp giảm, đồng nghĩa nền kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), cơ quan sẽ quyết định nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không, lại định nghĩa suy thoái là "sự suy giảm đáng kể hoạt động kinh tế trên toàn bộ nền kinh tế, kéo dài trong vài tháng, thường nhìn thấy trong sản xuất, việc làm, thu nhập thực tế và các chỉ số khác".

Nhưng ngay cả khi việc làm vẫn tăng mạnh trong tháng 7, vẫn có một số rạn nứt đang hình thành trên thị trường lao động Mỹ. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà ở, tài chính, công nghệ và bán lẻ… vốn nhạy cảm với lãi suất tăng đang sa thải công nhân. Dẫu vậy, theo Reuters, với 10,7 triệu việc làm được tạo ra từ cuối tháng 6 và tỷ lệ việc làm trên người lao động là 1,8 thì sự sụt giảm về lương thưởng khó xảy ra trong năm nay.

Phản ứng với báo cáo việc làm tích cực này, thị trường chứng khoán Phố Wall vẫn giảm nhẹ. Đồng USD tăng so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, trong khi giá trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc.

Theo Reuters