DMagazine

Hàng triệu người Mỹ hối tiếc giá như không bỏ việc

(Dân trí) - 5 tháng đầu năm nay có khoảng 20 triệu người Mỹ đã bỏ việc trong một làn sóng được gọi là "đại từ chức" diễn ra trong 2 năm qua. Nhưng giờ đây, nhiều người trong số họ đang hối tiếc vì quyết định này.

Hào hứng tham gia làn sóng "đại từ chức", đến nay hàng triệu người Mỹ hối tiếc giá như không bỏ việc

"Ba tháng trước, tôi đã bỏ việc để tìm kiếm một nơi tốt hơn, nhưng giờ đây, tôi đang rất hối hận vì đã rời bỏ công ty. Ông chủ cũ của tôi vẫn chưa tìm được người thay thế vào vị trí của tôi trước đây và điều kiện ở đó cũng tốt. Vậy tôi có nên liên hệ với sếp cũ và xin quay lại công ty?", một người Mỹ chia sẻ trong chương trình Go to Greg của New York Post.

Sau khi bỏ việc, nhiều người Mỹ cảm thấy hối tiếc. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy cuộc "đại từ chức" đang biến thành sự hối tiếc lớn. Nhiều người đã rời bỏ công việc vào năm ngoái với kỳ vọng kiếm nhiều tiền hơn nói rằng họ không cảm thấy hài lòng với quyết định của mình.

Người lao động thay đổi công việc vì nhiều lý do - có thể là vì họ làm việc chệch choạc, kiệt sức hoặc muốn được thăng chức hay cũng có thể vì họ cảm thấy không được đánh giá cao và bị trả lương thấp. Nhưng Michael Kaye, 30 tuổi, lại khác. Anh không cảm thấy như vậy khi quyết định rời OKCupid. "Tôi yêu công việc của mình", anh nói.

Hàng triệu người Mỹ hối tiếc giá như không bỏ việc - 1

Kaye đã quyết định trở lại OKCupid sau khi rời khỏi công ty này năm 2021 (Ảnh: New York Post).

Nhưng mùa hè năm ngoái, anh không ngừng nghĩ về những cơ hội mà anh có thể bị bỏ lỡ. Kaye, khi đó giám đốc quan hệ công chúng toàn cầu cấp cao tại trang web hẹn hò ở Midtown, vẫn tiếp tục đọc những tin tức về cuộc "đại từ chức" và "đại cải tổ". "Nó ở khắp mọi nơi," anh nói.

Các kết nối trên LinkedIn của Kaye liên tục hiển thị các dòng thông báo họ đã chuyển việc. Kaye nói: "Tôi bắt đầu tự hỏi liệu đây có phải là lúc để tôi cũng thay đổi".

Không lâu sau, anh được LinkedIn thuê làm giám đốc truyền thông của công ty. Nhưng Kaye chỉ ở lại với trang mạng này trong 8 tháng. "Tôi yêu công việc của mình và mọi người ở đó", Kaye nói, nhưng anh không cảm thấy mình có ảnh hưởng lớn như trong vai trò trước đây. "Và khi có cơ hội quay lại với OKCupid, tôi đã trả lời nhiệt tình có!", anh chia sẻ.

2022 - năm của "đại trở lại"?

Nếu 2021 là năm của "đại từ chức", thì năm 2022 có thể là năm của "Đại trở lại". Theo Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực (SHRMP), xu hướng này bắt đầu vào cuối năm ngoái khi 4,5% tổng số người được tuyển dụng mới là nhân viên cũ.

Con số hiện nay có lẽ còn cao hơn khi theo một cuộc khảo sát của Harris Poll-USA Today với khoảng 2.000 người trưởng thành, cứ 5 người lao động thì có 1 người đã bỏ việc trong hai năm qua hối tiếc.

Khảo sát của nền tảng tìm kiếm việc làm Joblist đối với 15.000 người tìm việc trong 3 tháng qua cũng cho thấy, hơn 1/4 số người bỏ việc đang suy nghĩ lại liệu quyết định của họ có đúng hay không.

Hàng triệu người Mỹ hối tiếc giá như không bỏ việc - 2

Nhiều người Mỹ đang cảm thấy hối tiếc vì quyết định bỏ việc (Ảnh minh họa: Getty).

Việc người Mỹ ồ ạt bỏ việc liên quan đến những rủi ro về dịch Covid-19 nơi công sở, những cơ hội việc làm mới tại nhà hay liên quan đến việc người Mỹ đang nghĩ lại về cuộc sống và công việc trong bối cảnh hỗn độn của đại dịch. Điều đó khiến mức độ bỏ việc của người Mỹ trong năm nay gần gấp đôi so với một thập kỷ trước.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Joblist cũng nhận thấy một loạt lý do tại sao những người bỏ việc lại đang suy nghĩ lại.

Nhiều người Mỹ hiện cảm thấy cần phải tìm việc gấp trong bối cảnh thị trường việc làm đang có nhiều dấu hiệu thay đổi. Khoảng một nửa số người tìm việc dự đoán thị trường lao động sẽ tồi tệ hơn trong 6 tháng tới. Ngoài ra, 42% trong số những người tìm được việc làm mới sau khi nghỉ việc cho biết, công việc mới không như kỳ vọng.

Trong khi đó, một số người tham gia khảo sát cho biết họ nhớ đồng nghiệp. "Kết nối xã hội thường bị đánh giá thấp", Kevin Harrington - Giám đốc điều hành của Jobseek - nói và cho biết, nhiều người dành nhiều thời gian cho công việc cũng nhiều như cho gia đình và bạn bè. Với những người có quan hệ đồng nghiệp tốt, điều này có thể chi phối đến quan điểm nghề nghiệp và cũng như khả năng ở lại của họ.

Mức độ hối tiếc còn tùy thuộc vào từng ngành nghề. Theo khảo sát của Joblist, những người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chịu nhiều áp lực trong đại dịch là những người ít cảm thấy hối tiếc nhất, khi chỉ có 14%.

Tại sao nhiều người vẫn bỏ việc?

"Tôi nghỉ việc" có thể là câu nói phổ biến nhất tại Mỹ trong 2 năm qua. Và giờ đây trong khi ngày càng có nhiều người quay trở lại công việc trực tiếp, nhiều người dường như vẫn tiếp tục bỏ việc.

Dẫn số liệu mới nhất, CNBC cho biết, cái gọi là "đại từ chức" vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Chỉ riêng trong tháng 5, hơn 4,27 triệu người Mỹ đã nghỉ việc, giảm nhẹ so với mức 4,4 triệu người trong tháng 4 và mức kỷ lục 4,5 triệu người bỏ việc trong tháng 11/2021.

Song ngay cả khi xu hướng này chậm lại thì những lo lắng về một đợt suy thoái kinh tế tiềm ẩn gia tăng khiến cho những thay đổi mà cuộc "đại từ chức" mang lại vẫn sẽ ăn sâu vào văn hóa công sở.

Vậy tại sao nhiều người vẫn bỏ việc? Các doanh nghiệp đã làm gì để ngăn chặn điều này?

Đòi hỏi mức lương cao hơn là một trong những lý do mà nhiều người bỏ việc hiện nay. Theo bộ phận theo dõi tăng trưởng tiền lương của Fed Atlanta, hầu hết những lần tăng lương trong 2 năm qua là dành cho những người chuyển việc và số này ít hơn so với những người ở lại.

Thị trường lao động thắt chặt và lạm phát tăng nhanh đang khiến người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn hoặc nghỉ việc.

Hàng triệu người Mỹ hối tiếc giá như không bỏ việc - 3

Trả lương thấp và thiếu cơ hội thăng tiến hay cảm thấy không được tôn trọng là những lý do hàng đầu khiến người lao động Mỹ nói "tôi nghỉ việc" vào năm 2021 (Ảnh: Getty).

Bên cạnh lương thưởng, văn hóa nơi làm việc cũng quan trọng. Trả lương thấp và thiếu cơ hội thăng tiến hay cảm thấy không được tôn trọng là những lý do hàng đầu khiến người lao động Mỹ nói "tôi nghỉ việc" vào năm 2021, theo khảo sát từ trung tâm nghiên cứu Pew.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy những người đã rời đi và hiện đang làm việc ở nơi khác có nhiều khả năng được trả lương cao hơn, cân bằng giữa cuộc sống và công việc tốt hơn cũng như linh hoạt hơn và có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc mới.

Ngoài ra, sự linh hoạt và sức khỏe cũng là yếu tố chính để người lao động quyết định ở lại hay ra đi. Theo báo cáo xu hướng nhân sự toàn cầu năm 2022 của LinkedIn, khoảng 63% người tìm việc đưa yếu tố cân bằng cuộc sống và công việc là ưu tiên hàng đầu của họ khi chọn một công việc mới.

Tuy nhiên, cũng có người chọn nghỉ hưu thay vì tìm công việc mới, một số khác lại chọn khởi nghiệp kinh doanh, trở thành ông chủ của chính họ. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tăng nhanh trong năm ngoái, với 5,4 triệu hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Để giữ chân nhân tài, nhiều doanh nghiệp đã phải tăng lương và các phúc lợi xã hội. Một khảo sát về niềm tin của các CEO trong quý II cho thấy, 68% các CEO ở Mỹ đang tăng lương để xoay xở với các điều kiện thị trường lao động đang ngày càng thách thức.

Tất nhiên, tăng lương sẽ kéo theo tăng chi phí đầu vào và cuối cùng người tiêu dùng lại phải đối mặt với lạm phát tăng, nhưng đó là một cách đúng đắn để không chỉ thu hút người tài mà còn để giữ chân họ.

"Cốt lõi của những thay đổi này là để tăng tính linh hoạt", Anthony Klotz, giáo sư quản lý tại Trường Quản lý UCL của London, nói và cho rằng theo nhiều cách, các công ty đang mang lại cho người lao động sự linh hoạt về thời gian cũng như cách thức làm việc, giúp họ cân bằng tốt hơn cuộc sống cá nhân và công việc. Ngoài ra, một số công ty cũng đã điều chỉnh lương, phúc lợi đồng thời giải quyết vấn đề sức khỏe cho nhân viên, bao gồm cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe tài chính.

Klotz giải thích những thay đổi này có thể không xảy ra trong 30 năm nữa nếu không phải vì khủng hoảng. "Đại dịch đã đưa tương lai của công việc vào hiện tại. Bởi những sắp xếp này giúp chúng ta linh hoạt hơn và kiểm soát cuộc sống của mình tốt hơn, cũng như tự chủ và tự do trong việc sắp xếp cuộc sống. Tôi không nghĩ rằng hầu hết mọi người đều sẵn sàng trở lại môi trường làm việc truyền thống", ông nói thêm.

Tuyển lại nhân sự cũ?

Johnny C. Taylor Jr., Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SHRM cho rằng đó là sự hối hận của kẻ bỏ cuộc.

Một cuộc khảo sát của SHRM cho thấy 86% các công ty được hỏi nói rằng họ sẽ tuyển dụng lại nhân viên cũ, nếu đáp ứng ba điều kiện. "Đó là phụ thuộc vào cách bạn rời đi", Taylor nói và thêm rằng nếu bạn đã thông báo đầy đủ và không trông mong vào lương thưởng khi ra đi hay quay lại, thì bạn có cơ hội được trở lại.

Ngoài ra, những người lao động đáp ứng các tiêu chí và thành tích tốt cũng thường được đưa vào danh sách tuyển dụng của công ty cũ. Vì công ty sẽ không mất nhiều thời gian giới thiệu hoặc đào tạo cho nhân sự mới.

Taylor cũng cho biết các nhà quản lý luôn giữ liên lạc chặt chẽ với các nhân sự giỏi của công ty. Họ sẽ dõi theo trong 30, 60 và 90 ngày đầu tiên nhân sự đó rời đi và xem liệu người đó có hứng thú với việc trở lại hay không.

Hàng triệu người Mỹ hối tiếc giá như không bỏ việc - 4

86% các công ty được hỏi nói rằng họ sẽ tuyển dụng lại nhân viên cũ (Ảnh: Getty).

Leslie Bishop rời 5W Public Relations ở Midtown, cô ấy đã có mối quan hệ khá thân thiết với bà Dara Busch - đồng giám đốc điều hành của công ty, vì vậy việc nghỉ việc không hề dễ dàng. "Nhưng tôi đã có một cơ hội tuyệt vời và tôi phải nắm bắt nó. Tuy nhiên, thật sự rất đau lòng khi phải rời đi", cô nói.

Dù không còn làm việc với nhau song hai người phụ nữ này vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. "Chúng tôi còn hơn cả đồng nghiệp. Sau khi tôi rời đi, chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết hơn", Bishop nói.

Trong vài tháng tới, Bishop đề cập cô ấy có thể quay trở lại 5W nếu có cơ hội hay không. Mặc dù vị trí của Bishop để lại đã được lấp đầy nhưng công ty đang phát triển nhanh chóng và Busch biết rằng Bishop là một nhân tài. Họ bắt đầu thảo luận về vai trò thích hợp cho Bishop khi trở lại 5W. Và sau đó, Bishop đã trở lại 5W với tư cách là Phó Chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc tập đoàn.

Nhưng tại sao Busch lại không ngăn Bishop rời đi ngay từ đầu? "Không. Nếu bạn muốn rời đi, chúng tôi sẽ thả bạn tự do. Nếu bạn quay trở lại, bạn sẽ trở lại với niềm đam mê mới. Đôi khi bạn phải xem một cái gì đó khác đi để đánh giá đầy đủ những gì bạn có", Busch lý giải.

Joblist cũng cho rằng các nhà tuyển dụng nên mời nhân viên cũ quay lại làm việc. Tuy nhiên, không phải nhân sự nào cũng muốn trở về. Trong cuộc khảo sát của Joblist, 23% người được hỏi trả lời rằng doanh nghiệp đã cố liên hệ lại với họ sau khi nghỉ việc. Nhưng khi được hỏi liệu có cân nhắc quay lại công việc hay không, 59% đã nói "không", trong khi 17% trả lời "có" và 24% cho rằng "có thể" sẽ chấp nhận đề nghị. Trong khi đó, 67% nhân viên ngành giáo dục và y tế cho biết không muốn quay trở lại công việc của mình.

Tỷ lệ bỏ việc sẽ chậm lại, đây là điều không thể tránh khỏi. Suy thoái kinh tế có thể gây ra những xáo trộn trên thị trường lao động. Nhiều người có thể chọn gắn bó với công ty cũ khi họ đối mặt với sự không chắc chắn.

Nhưng, theo ông Klotz, có lẽ tác động mạnh mẽ của xu hướng "đại từ chức" chính là những thay đổi tích cực mà nhiều công ty đang thực hiện đối với nhân viên của mình. Nói cách khác, nếu người lao động hài lòng, họ sẽ ở lại làm việc.

Nội dung: Nhật Linh (tổng hợp)