1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế Mỹ giảm quý thứ 2 liên tiếp, lộ dấu hiệu suy thoái

Nhật Linh

(Dân trí) - Văn phòng phân tích kinh tế Mỹ (BEA) vừa cho biết, nền kinh tế Mỹ đã giảm quý thứ 2 liên tiếp, một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.

Theo ước tính của BEA, GDP của Mỹ trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 giảm 0,9% so với cùng kỳ hàng năm. Trước đó, kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức giảm 1,6% trong quý đầu tiên, tồi tệ hơn so với dự đoán tăng 0,3% của Dow Jones.

Tuy nhiên, để khẳng định là suy thoái hay tăng trưởng thì phải đợi tuyên bố chính thức từ Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER). Và cũng có thể văn phòng này sẽ không đưa ra đánh giá nếu tăng trưởng chỉ suy giảm trong vài tháng mà không diễn ra lâu hơn.

Nhưng trên quan điểm cơ bản về suy thoái lâu nay, nếu GDP âm quý thứ 2 liên tiếp thì có nghĩa là suy thoái, bất chấp các trường hợp suy giảm bất thường hay bất kể NBER quyết định như thế nào.

Kinh tế Mỹ giảm quý thứ 2 liên tiếp, lộ dấu hiệu suy thoái  - 1

GDP của Mỹ đã sụt giảm quý thứ 2 liên tiếp, một dấu hiệu về suy thoái (Biểu đồ: CNBC).

"Chúng tôi không cho là suy thoái, nhưng rõ ràng tăng trưởng của nền kinh tế đang chậm lại", ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, nói và cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tiệm cận mức độ đình trệ, tăng trưởng đi lên hầu như không có.

Các thị trường ít phản ứng với thông tin này. Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 29/7 với mức giảm nhẹ. Lợi tức trái phiếu chính phủ hầu hết đều giảm.

Một báo cáo riêng công bố ngày hôm qua cũng cho thấy, tình trạng sa thải vẫn tăng lên. Theo Bộ Lao động Mỹ, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua là 256.000, giảm 5.000 so với tuần trước nhưng vẫn cao hơn so với ước tính 249.000 của Dow Jones.

Các số liệu mà CNBC trích dẫn cho thấy, sự sụt giảm GDP của Mỹ đến từ một loạt yếu tố, bao gồm sự sụt giảm về hàng tồn kho, đầu tư vào khu vực dân cư và nhà ở, chi tiêu chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương.

Tổng đầu tư tư nhân trong nước của Mỹ trong 3 tháng qua cũng giảm 13,5%. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng, được đo lường thông qua chi tiêu tiêu dùng cá nhân, trong quý qua chỉ tăng 1%, còn lạm phát tăng mạnh.

Hàng tồn kho, một động lực giúp GDP tăng trưởng trong năm 2021, lại là lực cản của tăng trưởng trong quý 2 vừa qua khi góp 2 điểm phần trăm vào mức giảm chung.

Kinh tế Mỹ giảm quý thứ 2 liên tiếp, lộ dấu hiệu suy thoái  - 2

Việc 2 quý liên tiếp GDP giảm cho thấy động lực kinh tế Mỹ tiếp tục suy giảm rõ rệt (Ảnh: News.seehua).

Lạm phát là gốc rễ của những rắc rối mà nền kinh tế Mỹ đang hứng chịu. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6% trong quý, tốc độ nhanh nhất kể từ quý IV năm 1981. Điều đó khiến thu nhập sau thuế đã điều chỉnh lạm phát giảm 0,5%, trong khi tiết kiệm cá nhân chỉ ở mức 5,2% so với mức 5,6% trong quý đầu tiên.

"Dữ liệu kinh tế gần đây có thể không vẽ đúng bức tranh kinh tế Mỹ, nhưng với việc 2 quý liên tiếp GDP giảm cho thấy động lực kinh tế tiếp tục suy giảm rõ rệt", ông Jim Baird, Giám đốc đầu tư của Plante Moran Financial Advisors nói và cho rằng con đường để Fed tăng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái đã trở nên hẹp hơn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powel hôm 27/7 vẫn khẳng định ông chưa thấy nền kinh tế suy thoái và hy vọng mức tăng lãi suất sẽ hạ nhiệt được lạm phát. Fed vừa công bố tăng lãi suất thêm 0,75% thay vì mức 1% như một số chuyên gia dự báo, nhằm kìm cương lạm phát mà không gây ra suy thoái cho nền kinh tế. Cơ quan này tiếp tục bỏ ngỏ về khả năng tăng lãi suất trong kỳ điều hành tiếp theo.

Suy thoái kinh tế cũng là vấn đề mà Nhà Trắng quan tâm. Trong báo cáo hôm qua (28/7), Tổng thống Mỹ Biden cho biết ông không ngạc nhiên khi nền kinh tế chậm lại sau những động thái kiềm chế lạm phát của Fed. "Nhưng ngay cả khi chúng ta đối mặt với những thách thức toàn cầu mang tính lịch sử, chúng ta vẫn đang đi đúng hướng và chúng ta sẽ vượt qua quá trình chuyển đổi này một cách mạnh mẽ và an toàn hơn", ông Biden nói.

Hầu hết nhà kinh tế đều không hy vọng NBER sẽ tuyên bố kinh tế Mỹ chính thức suy thoái, bất chấp các quý liên tiếp tăng trưởng âm. Kể từ năm 1984, nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ trải qua nhiều quý liên tiếp tăng trưởng âm mà không bị coi là suy thoái.

Mặc dù vậy, Phố Wall vẫn cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào cuối năm nay hoặc vào năm sau nhưng không phải bây giờ.

Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm