1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mua quần áo mặc chán rồi bán lại

Trúc Ly

(Dân trí) - Khi việc mua sắm online ngày càng trở nên dễ dàng, hội chị em thường rơi vào tình cảnh quá nhiều món đồ không dùng tới. Lúc này, việc bán lại đồ cũ được coi là hành vi tiêu dùng thông thái.

Làm gọn không gian sống

"Cũ người mới ta" là câu miêu tả được ghim trên đầu nhóm kín bán lại đồ cũ đã qua sử dụng của Ngọc Anh (26 tuổi, Hà Nội). Hơn 2 năm nay, Ngọc Anh duy trì thói quen bán lại những món đồ đã qua sử dụng vài lần, còn mới, với mức giá rẻ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá mua.

Theo Ngọc Anh, khi xu hướng tiêu dùng và mua sắm tối giản ngày càng được nâng cao, cô luôn muốn duy trì đồ dùng ở mức ít nhất có thể để không gian sống gọn gàng. Do vậy, trước khi mua thêm những món đồ mới, Ngọc Anh đều cố gắng bán lại những món đã ít sử dụng.

Việc này không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn giúp cô xây dựng thói quen chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí những bộ quần áo mua về chỉ mặc 1-2 lần.

"Có những bộ đồ tôi mua online nên khi nhận thấy không hợp nữa, bán lại cho người phù hợp với mức giá rẻ hơn, vừa có ích cho mình, vừa có ích cho người khác mà đồ vẫn được tái sử dụng", cô chia sẻ.

Mua quần áo mặc chán rồi bán lại - 1

Thói quen mua sắm khiến nhiều chị em có quá nhiều đồ không dùng tới (Ảnh minh họa: Pinterest).

Dùng tiền bán đồ cũ để mua đồ mới

Giống Ngọc Anh, Thùy Linh - người Việt Nam hiện sinh sống tại Thụy Điển - cũng là một người đam mê bán lại đồ cũ. Không chỉ bán cho riêng mình, Linh nhận bán giúp bạn bè, người thân. 

Thùy Linh cho biết cô sinh sống ở nước ngoài nên giá mua mỗi món đồ tương đối cao so với giá trị tiền Việt. Khi bán lại, cô thường để mức giá rẻ 1/3 so với giá mua. Nhiều người khi mua được những món đồ của Linh thường chia sẻ rằng họ cảm thấy may mắn khi mua được chiếc áo, chiếc quần đến từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới với mức giá rẻ hơn rất nhiều.

Sau nhiều lần bán lại đồ cũ và được nhiều người ủng hộ, Thùy Linh bắt đầu nhận bán giúp người thân. Trung bình mỗi tháng, cô mở một đợt livestream bán đồ cũ trên trang cá nhân và được rất nhiều bạn bè đón nhận.

"Mỗi lần dọn tủ như thế tôi thường thu lại cũng được một khoản kha khá. Đủ tiền để mua thêm vài món đồ mới cho mình, tủ quần áo thì gọn gàng, những món đồ phù hợp với người khác sẽ đến được tay họ, tôi rất vui", Linh chia sẻ.

Mua đồ cũ hay đồ mới đều cần thông thái

Mai Ánh thường xuyên săn đồ cũ trên các nhóm kín. Theo cô, việc mua lại đồ đã qua sử dụng là cách tiết kiệm cho bản thân, xa hơn là để bảo vệ môi trường. Nếu biết lựa chọn và mua của những người bán uy tín, có tâm, đôi khi đồ cũ nhưng tưởng như đồ mới. 

Một vài trường hợp, vì tin tưởng người bán, Ánh mua phải những món không như kỳ vọng. Người bán nói rằng món đồ mới sử dụng vài lần, đã được giặt sạch sẽ trước khi vận chuyển. Tuy nhiên khi đồ được chuyển đến tay, Ánh tá hỏa vì đó là món đồ đã quá cũ, nát, cô không thể mặc. Do vậy, việc tìm hiểu uy tín người bán là điều cần thiết, đặc biệt khi mua đồ cũ.

Ánh cho hay tuyệt đối không mua đồ lót, đồ tập, đồ bơi, đồ mặc nhà là đồ cũ vì vấn đề an toàn sức khỏe. 

Mua quần áo mặc chán rồi bán lại - 2

"Cũ người mới ta" là xu hướng của hội chị em để giảm thiểu số đồ dùng không dùng tới (Ảnh minh họa: Pinterest).

Bên cạnh đó, vì đồ cũ khá rẻ so với giá trị thực nên nhiều người bị tâm lý sợ bỏ lỡ, mua những món đồ chưa chắc đã phù hợp với mình. Việc này có thể rơi vào tình trạng "tưởng rẻ hóa đắt". Do vậy, dù là mua sắm đồ mới hay đồ cũ, điều quan trọng nhất là mua đồ theo giá trị sử dụng của nó (price over performance).

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Tài Tuệ, trước khi đưa ra quyết định mua bất kỳ món đồ gì, bạn nên trả lời các câu hỏi sau để tránh mua sắm lãng phí. Quy tắc này áp dụng cả với việc mua đồ cũ hay đồ mới:

- Bạn có thực sự cần nó không? Nếu không, hãy đi làm việc khác để quên đi cảm giác muốn có sản phẩm đó.

- Nếu có, hãy hỏi lại bản thân xem có thực sự cần hay không?

- Nếu không thực sự cần thì thôi, còn nếu thực sự cần thì thử hỏi xem có mượn hoặc thuê được không?

- Nếu thuê hoặc mượn được thì đừng mua, còn nếu không thuê hoặc mượn được thì hỏi bản thân rằng đợi một thời gian sau mới mua có được không?

- Nếu đợi được, có thể vài hôm nữa bạn sẽ thấy không cần thiết nữa. Còn nếu không thể đợi được, lúc đó mới quyết định mua.