Bánh trung thu "ế" đi đâu?
(Dân trí) - Hậu trung thu, chủ cửa hàng bánh cho biết vẫn đang chật vật xử lý lượng bánh tồn kho. Những chiếc bánh "ế" rồi sẽ đi về đâu?
Thị trường bánh trung thu năm nay rục rịch khởi động từ 2 tháng trước Tết trung thu. So với những năm trước, người bán, sản phẩm và phương thức kinh doanh mùa trung thu năm nay đều được cho là đa dạng hơn. Không chỉ các thương hiệu lâu đời mà các doanh nghiệp mới nổi trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) cũng bắt tay vào kinh doanh bánh trung thu.
Tưởng chừng thị trường sẽ được chứng kiến sự bùng nổ sau cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng thực tế, sức mua bánh trung thu năm nay sụt giảm khá nhiều so với những năm trước.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ một cửa hàng phân phối bánh trung thu Kinh Đô tại Việt Trì (Phú Thọ), chia sẻ rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm chi tiêu mà giá bánh không giảm.
Do đó, phân khúc sản phẩm bình dân đi xuống rõ rệt. Dù đã kết thúc mùa trăng rằm, không ít cửa hàng, cơ sở phân phối bánh trung thu vẫn còn hàng tồn kho chưa thể xử lý.
Muôn kiểu xử lý bánh "ế"
Các đại lý, cửa hàng thường sẽ giảm giá mạnh để thu hút người mua hoặc tìm cách hoàn trả hàng cho công ty. Nếu đại hạ giá nhưng vẫn "ế khách", những chiếc bánh trung thu sẽ được chủ cửa hàng mang đi phát miễn phí.
Chị Hạnh cho biết công ty cho phép nhà phân phối hoàn lại số bánh tồn kho. Tuy nhiên, chính sách hoàn tiền và hoa hồng có thể thay đổi theo từng năm.
Sau khi được trao trả về nơi sản xuất, số bánh tồn kho sẽ được vận chuyển đến các nhà máy làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Một cửa hàng chuyên sản xuất bánh ngọt có tiếng ở quận Đống Đa (Hà Nội), vẫn áp dụng chiến lược bánh trung thu "đại hạ giá". Nhân viên cửa hàng tiết lộ rằng, may mắn rằng số bánh tồn kho năm nay không quá lớn.
Hiện nay, cửa hàng có chính sách ưu đãi "mua 1 tặng 1" cho khách hàng mua bánh trung thu. Đồng thời, với mỗi hóa đơn mua bánh sinh nhật, khách hàng cũng sẽ được tặng kèm một chiếc bánh trung thu.
Chị T, người từng làm việc tại một hãng bánh, cho biết lượng bánh trung thu còn sót lại của công ty chủ yếu sẽ được xử lý nội bộ bằng việc phân phát cho các nhân viên tiêu thụ. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ không có chính sách cho phép các nhà phân phối hoàn trả lượng bánh "ế".
Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Shopee..., bánh trung thu tiếp tục được rao bán với mức giá siêu rẻ. Các bài viết, bình luận với từ khóa đại hạ giá, xả lớn hay sale 70% tràn lan trên các hội nhóm về bánh trung thu.
Kể cả các loại bánh từ những thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Maison, Long Đình... cũng chỉ có mức giá khoảng 15.000-20.000 đồng/chiếc và được xả bán theo combo, hoặc số lượng lớn. Thậm chí, khi gần hết hạn sử dụng, bánh chỉ có giá tầm 5.000-10.000 đồng/chiếc.
Bán tháo, bán rẻ bánh trung thu sau dịp lễ không phải điều quá xa lạ. Tuy nhiên, đối diện với thị trường bánh trung thu khá ảm đạm năm nay, nhiều nhà phân phối, bán buôn cũng bày tỏ sự lo lắng vào tình hình kinh doanh năm sau.
Chị Hạnh chia sẻ rằng chị sẽ căn cứ vào chính sách của công ty mà quyết định có tiếp tục phân phối và bán bánh trung thu vào năm sau hay không.
Trong khi đó, trái với tâm lý của người bán, khách hàng lại coi đây là cơ hội tốt để "săn" bánh trung thu với giá hời. Một số người quyết định không mua bánh trong dịp lễ mà đợi đến bây giờ, chỉ mất một khoản tiền nhỏ mà vẫn có thể thưởng thức các loại bánh chất lượng.