Mua đồ ăn quá đà, quần áo thừa thãi vào dịp Tết

Trúc Ly

(Dân trí) - Mua quá nhiều đồ ăn, hoa quả, quần áo nhưng không dùng đến gây lãng phí vào dịp Tết là tình trạng chung của nhiều người trong nhiều năm qua nhưng không ít người chưa thể rút kinh nghiệm.

Ngọc Anh (Hà Nội) hối hận vì đã mua quá nhiều đồ ăn vào dịp Tết. Tủ lạnh kín  những món đồ quen thuộc như thịt đông, giò, chả, nem chua, xúc xích, lạp sườn... và rất nhiều loại hoa quả.

Tình trạng dư thừa đồ ăn xảy ra hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán nhưng Ngọc Anh chưa thể rút kinh nghiệm. Với tâm lý "cả năm mới có một dịp Tết nên cứ mua hết sức, sắm hết mình", cô luôn rơi vào tình trạng ngập trong đồ ăn. Hết 3 ngày Tết, có không ít những món buộc phải bỏ đi vì tủ lạnh hết chỗ chứa. "Thật sự phí phạm, mãi mà chẳng rút được kinh nghiệm", cô nói. 

Mua đồ ăn quá đà, quần áo thừa thãi vào dịp Tết - 1

Tủ lạnh ngập tràn đồ ăn, gây lãng phí vào dịp Tết (Ảnh: Ngọc Anh).

Ngoài ra, cô cũng mua lượng lớn bánh kẹo, các loại hạt, ô mai để mời khách. Thế nhưng, lượng khách đến quá ít, số bánh kẹo mua quá nhiều nên tình trạng dư thừa tiếp tục xảy ra.

Không riêng đồ ăn, không ít người nói họ cảm thấy lãng phí vì mua quá nhiều quần áo nhưng cả 3 ngày Tết chỉ ở nhà và... ngủ. Không cuộc hẹn, không gặp gỡ, quần áo dường như không được dùng tới nên việc mua sắm quá đà trước Tết gây lãng phí. 

Mai Trang chi gần 3 triệu đồng để mua 2 bộ áo dài vào dịp trước Tết chỉ vì thấy ai cũng có áo dài mới và cô không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, Mai Trang kể vì gia đình ít người, Trang chỉ dành khoảng 2 giờ đồng hồ vào mùng 1 Tết để đi gặp gỡ người thân, sau đó, cô chỉ ở nhà xem phim và ngủ. Do vậy, quần áo mới không có dịp được diện.

"Sau Tết thì ai mặc áo dài nữa đâu, biết là phí mà vẫn cứ mua", Trang ngậm ngùi.

Việc tiêu tiền quá đà, tiêu không suy nghĩ vào ngày Tết là tình trạng chung của nhiều người. Theo nghiên cứu của Mint - trang web chuyên về kinh doanh - mọi người có xu hướng bị thôi thúc phải tiêu tiền vào những dịp lễ lớn bởi các lý do sau:

- Mọi người có tâm lý muốn bằng bạn, bằng bè nên mua sắm quá mức.

- Mọi người thường sợ thiếu hơn sợ thừa.

- Nhiều người bị "mua chuộc" bởi những tấm biển giảm giá trong những ngày lễ dẫn đến tình trạng mua những món đồ không cần thiết.

- Mọi người tự thỏa hiệp với bản thân rằng một năm chỉ có một vài ngày lễ và đây lại là ngày lễ quan trọng nhất nên tự cho phép bản thân chi tiêu mạnh tay mà không tính toán.

Tuy nhiên, lời khuyên là hãy nhớ rằng việc mua sắm bốc đồng có thể dễ dàng làm bạn "cháy túi" sau Tết, gây ra các hậu quả về tài chính cá nhân. Do đó, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng hãy thận trọng trong cách chi tiêu thay vì phung phí trong những dịp lễ, đặc biệt là dịp Tết.