Vì sao mọi người thường tiêu tiền không tính toán vào dịp Tết?

Trúc Ly

(Dân trí) - Chi tiêu quá đà trong dịp Tết có thể khiến bạn mắc nợ, căng thẳng. Hãy học cách từ chối những thứ quá khả năng, lên kế hoạch chi tiêu cụ thể để không bị cháy túi trong những ngày này.

Chi tiêu không suy nghĩ

Thục Linh (Hà Nội) đăng dòng trạng thái: "Kiếm tiền cả tháng, cả năm, tính toán từng đồng mà cứ đến Tết không hiểu sao tiêu không bao giờ suy nghĩ, một vài triệu tiêu trong một nốt nhạc". Chỉ sau ít phút, bài đăng của Linh nhận được hàng trăm lượt bình luận đồng tình.

Đa phần mọi người cho biết Tết là dịp ai cũng muốn mua những món đồ mới cho gia đình, bạn bè và bản thân. Từ đồ ăn, đồ trang trí đến quần áo, tất cả đều được sắm mới. Chưa kể, dịp Tết là thời điểm gặp gỡ, sum vầy nên ai cũng có khá nhiều cuộc hẹn, đơn giản là những buổi cà phê, cầu kỳ hơn là những bữa nhậu, bữa liên hoan. 

Tiếp đến, nếu là người trưởng thành, khoản tiền cần chi để lì xì ông bà, bố mẹ, trẻ nhỏ... cũng không ít.

Thục Linh quan điểm dù phải chi rất nhiều tiền, nhưng có lẽ, Tết là thời điểm tuyệt vời nhất trong năm. Là lúc mọi người tiêu tiền không thấy tiếc hay nói vui là "nhắm mắt mà tiêu" rồi sau đó kiếm lại. Do vậy, lúc nhìn lại con số đã chi, cô không thể không giật mình.

Vì sao mọi người thường tiêu tiền không tính toán vào dịp Tết? - 1

Người trẻ có xu hướng chi tiêu thả ga vào những dịp lễ hội (Ảnh minh họa: Pinterest).

Mai Trang bình thường khá tiết kiệm. Cô sống theo chủ nghĩa tối giản, không mua sắm quá nhiều và chỉ mặc những bộ trang phục đơn giản, không lỗi mốt. Tuy nhiên, cứ đến Tết, Trang như biến thành người khác, mua sắm thả ga từ ngày 20 tháng Chạp cho tới đêm 30 Tết.

"Bánh kẹo, hoa tươi, quần áo cho con cái, đồ lễ biếu ông bà, bố mẹ... những thứ đó ưng cái nào là mua cái đó, ít khi tính toán. Ngày thường thì cân đo đong đếm từng tí một", Trang kể.

Mai Trang cho rằng tâm lý mọi người khá giống nhau mỗi khi Tết đến. Đây là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc mệt mỏi. Hơn thế, Tết là ngày đoàn viên, là những ngày đầu năm mới nên ai cũng muốn mua sắm cho bản thân và gia đình những món đồ tốt nhất trong khả năng. Tâm lý này là dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu quá đà, có thể gây ra những hệ lụy không nhỏ về tài chính.

Học cách từ chối những thứ ngoài khả năng

Theo Mint - trang web chuyên về kinh doanh, mọi người có xu hướng bị thôi thúc phải tiêu tiền vào những dịp lễ lớn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc mua sắm bốc đồng có thể dễ dàng làm chệch hướng mục tiêu tài chính của bạn. Hãy thận trọng trong cách chi tiêu thay vì phung phí trong những dịp lễ hội.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến mọi người chi tiêu mạnh tay vào ngày lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán, trong đó:

- Mọi người có xu hướng chi khá nhiều tiền cho quà tặng, đồ ăn, những chuyến du lịch cho những ngày lễ hội

- Nhiều người bị "mua chuộc" bởi những tấm biển giảm giá trong những ngày lễ dẫn đến tình trạng mua những món đồ không cần thiết

- Mọi người tự thỏa hiệp với bản thân rằng một năm chỉ có một vài ngày lễ và đây lại là ngày lễ quan trọng nhất nên tự cho phép bản thân chi tiêu mạnh tay không tính toán

Dưới đây là những cách giúp bạn không bị "cháy túi" trong những ngày lễ hội. 

Đầu tiên, hãy lập ngân sách cho dịp lễ sắp tới. Cụ thể, hãy lập ngân sách dựa trên thu nhập của bạn. Hãy tổng hợp số tiền bạn có thể nhận gồm tiền lương, tiền thưởng và bất kỳ nguồn thu nhập nào khác. Sau đó, liệt kê các chi phí của bạn, bao gồm các khoản như quà tặng, thực phẩm, du lịch, đồ trang trí và các chi phí liên quan khác.

Sau khi tổng hợp danh sách đầy đủ các chi phí, hãy phân loại chúng thành các nhóm riêng biệt như quà tặng, thực phẩm, du lịch, đồ trang trí và các mục liên quan khác. Tiếp theo, hãy chọn ra mục cần ưu tiên và đảm bảo rằng bạn sẽ dành nhiều chi phí cho những hạng mục này và chỉ định số tiền cụ thể cho từng danh mục, lưu ý rằng tổng số tiền không được vượt quá thu nhập dự kiến.

Vì sao mọi người thường tiêu tiền không tính toán vào dịp Tết? - 2

Cần học cách từ chối những bữa tiệc phù phiếm (Ảnh minh họa: Pinterest).

Tiếp theo, hãy cân nhắc mua những món đồ có mức giá tốt nhất bằng cách tìm hiểu chúng ở nhiều địa chỉ bán, từ đó chọn ra nơi bán phù hợp với mức giảm giá tốt nhất. Dịp lễ là thời điểm hầu hết các cửa hàng đều có chương trình giảm giá, đặc biệt là những thương hiệu lớn, do vậy đừng bỏ qua chi tiết này.

Cuối cùng, hãy từ chối tất cả lời mời đến những bữa tiệc phù phiếm. Hãy từ chối lời mời nếu bữa tiệc đó vượt quá khả năng tài chính của bạn. Bạn cũng có thể cắt giảm các khoản quà tặng nếu bạn có ngân sách quá hạn hẹp.

Trên hết, điều quan trọng là bạn phải biết từ chối đúng lúc để giữ được tài chính ổn định và tinh thần không bị ảnh hưởng. Nếu bạn luôn đồng ý với những lời mời vượt quá khả năng của mình, bạn rất dễ rơi vào tình cảnh mắc nợ và căng thẳng kéo dài.

Sau cùng, hãy xem lại cách bạn đã chi tiêu vào mùa lễ này, từ đó nhận ra bạn đã làm đúng ở đâu, thiếu sót chỗ nào và tiếp tục điều chỉnh cho năm tới.