Mùa báo cáo tài chính không bình yên?
Từ tuần tới, báo cáo tài chính quý 2/2008 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ bắt đầu được công bố. Nhà đầu tư sẽ có thêm những cơ sở để củng cố các quyết định còn từ phía các công ty chứng khoán, một mùa báo cáo tài chính không bình yên đang được rào đón trước.
Bình tĩnh và chọn lọc
Khó khăn chung của nền kinh tế sẽ phản ánh trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết quý 2 này. Đó là nhận định chung có ở nhiều báo cáo tuần của các công ty chứng khoán, cũng như của một số tổ chức nước ngoài.
Thị trường cũng đã đón nhận nhiều phân tích về mức độ tác động của khó khăn đó đối với các ngành hàng. Còn thời điểm này, sự chờ đợi kết quả cụ thể được xác định là cơ sở thực tế để chọn lọc và cơ cấu lại danh mục của nhà đầu tư.
Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), các báo cáo đó sẽ là thông tin quan trọng trong việc giúp nhà đầu tư xác định các cổ phiếu có tiềm năng, ít bị ảnh hưởng bởi các biến động vĩ mô trong việc xem xét đầu tư.
“Tuần qua cho thấy sự phân hóa rõ nét hơn của các cổ phiếu, khi sự “hưng phấn” của nhà đầu tư không còn đủ lớn để kéo tất cả các mã đi lên thì sự chọn lựa kỹ càng trên cở sở phân tích cơ bản sẽ là yếu tố quan trọng”, nhóm phân tích FPTS nhận định.
Trong khuyến nghị của mình, phân tích của Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC) cũng nhấn mạnh rằng, thời điểm này, nếu những nhà đầu tư thận trọng chưa có suy nghĩ mua vào thì nên hành động bình tĩnh, hãy xem xét các báo cáo tài chính quí 2 của doanh nghiệp, “khi đó hành động dù muộn nhưng sẽ an toàn hơn cả”.
Có thể ngầm định sự “an toàn” đó đi cùng với khả năng có những kết quả không mấy lạc quan trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp niêm yết lần này, kết quả của nửa năm hoạt động trong môi trường khó khăn.
Bước đầu, những tên tuổi lớn trên sàn HOSE như Sacombank (mã STB), Vinamilk (VNM) hay Khoáng sản Bình Định (BMC) đã có báo cáo sơ bộ; hay Công ty Xây dựng số 2 (VC2) trên sàn Hà Nội. Tuy nhiên, sự lạc quan bước đầu từ số ít doanh nghiệp đó chưa thể mang tính đại diện.
Mặt khác, nhận định từ FPTS cho rằng với các công ty có hiệu quả hoạt động bị ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế sẽ không có động cơ nộp báo cáo trước hạn như các công ty thực sự có lãi. Đây cũng là lý do để lo ngại có sự chậm trễ công bố các báo cáo theo thời hạn quy định (25/7).
Chờ sự minh bạch
Bên cạnh kết quả kinh doanh được dự báo không mấy bình yên của nhiều công ty niêm yết, tính minh bạch lại là “phần 2” của mùa báo cáo tài chính lần này.
Một điểm chung là trường hợp cổ phiếu BBT của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết bị ngừng giao dịch trên sàn HOSE cùng được một số công ty chứng khoán đề cập tới trong báo cáo giao dịch tuần qua như một ví dụ để nhà đầu tư thận trọng hơn.
Theo TSC, “sự kiện BBT” tuần qua cho chúng ta nhiều suy nghĩ về tính xác thật của kết quả kinh doanh các công ty niêm yết, đòi hỏi phải có những lời khuyên cẩn trọng từ nhà môi giới chuyên nghiệp, để lựa chọn cổ phiếu tốt nhất”.
Trong khi đó, nhận định từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng các khoản trích lập dự phòng tài chính sẽ là vấn đề hết sức nóng bỏng trong mùa báo cáo tài chính quý 2/2008.
Theo chuyên viên phân tích Phạm Hoàng Thạch của ACBS, “các nhà đầu tư đang hết sức nóng lòng muốn biết các công ty có đang thực sự sử dụng tiền của mình một cách hiệu quả không, hay các công ty đang sử dụng tiền để đầu tư tràn lan không đúng mục đích cũng như lĩnh vực kinh doanh chính của công ty”.
Liên quan đến vấn đề trên, kết quả kiểm tra của thanh tra tại 6 công ty đại chúng mới đây phát hiện những khoản đầu tư ngoài bản cáo bạch càng cho thấy sự nóng lòng của nhà đầu tư là có cơ sở.
Ngoài ra, theo FPTS, một vấn đề có từ lâu trên thị trường chứng khoán Việt Nam và tiếp tục nóng hơn trong thời gian gần đây là việc chậm nộp báo cáo tài chính của các công ty niêm yết; mà lý do có thể đơn giản như lỗi phần mềm kế toán, hay… máy tính của bộ phận kế toán bị virus (tiêu biểu vẫn là BBT, trong vòng 1 năm 2 lần công bố lý do này).
Theo Hoàng Vũ
VnEconomy