Một tuần chứng khoán "đỏ lửa", ông chủ Bách Hóa Xanh mất bộn tiền

Mai Chi

(Dân trí) - Giới đầu tư vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động, thị trường chứng khoán lên xuống thất thường. Chưa kịp hi vọng sau pha hồi phục thì cuối tuần lại "tắm đỏ".

Ông chủ Bách Hóa Xanh Nguyễn Đức Tài "mất" hơn 600 tỷ đồng trong buổi sáng

Sáng 19/7, MWG giảm 9.500 đồng tương ứng giảm 5,7% còn 158.600 đồng/cổ phiếu. Trong phiên, có lúc MWG giảm về 157.000 đồng, sát mức sàn 156.400 đồng.

Tại Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị - đang trực tiếp sở hữu trên 12 triệu cổ phiếu MWG và 15,52 triệu cổ phiếu MWG (gián tiếp qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ).

Với mức giảm của cổ phiếu MWG, chỉ trong một buổi sáng, tài sản trên sàn của ông Nguyễn Đức Tài đã giảm gần 605 tỷ đồng. 

Không loại trừ khả năng bên cạnh áp lực chung của thị trường, cổ phiếu MWG còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thông tin về việc một số cửa hàng Bách Hóa Xanh của tập đoàn này bị tố bán giá đắt hơn so với giá niêm yết trong điều kiện dịch bệnh. Theo đó, cuối tuần qua, công chúng đã có những phản ứng tiêu cực với thương hiệu. 

Một tuần chứng khoán đỏ lửa, ông chủ Bách Hóa Xanh mất bộn tiền - 1

Thị trường chứng khoán trải qua một tuần biến động mạnh, cổ phiếu MWG bị ảnh hưởng và ông chủ Bách Hóa Xanh Nguyễn Đức Tài bị giảm tài sản đáng kể (Ảnh minh họa: IT).

VN-Index hồi phục gần 30 điểm: Mưa rào nhẹ sau kỳ hạn hán

Ngày 20/7, VN-Index tăng 29,78 điểm tương ứng 2,4% lên 1.273,29 điểm. VN30-Index tăng 36,87 điểm lên 1.411,02 điểm, tương ứng tăng 2,68%. HNX-Index cũng tăng mạnh 9,04 điểm tương ứng 3,1% lên 301,11 điểm và UPCoM-Index tăng 1,1 điểm tương ứng 1,33% lên 83,69 điểm.

Mức tăng nói trên là phấn khởi nhưng so với tổng mức giảm lên tới 200 điểm suốt hai tuần ròng rã vừa qua thì sự gỡ gạc chưa thể thấm vào đâu so với thiệt hại mà nhà đầu tư phải gánh chịu.

Một phiên tăng gần 30 điểm của VN-Index ngay sau phiên giảm hơn 50 điểm và sau chuỗi giảm triền miên, nhiều nhà đầu tư ví von, tựa như cơn mưa rào nhẹ sau kỳ hạn hán .

Điểm tích cực là đã có dấu hiệu nhập cuộc của dòng tiền và nếu có thể duy trì thì xu hướng hồi phục của VN-Index có thể được xác lập.

Nhiều nhà đầu tư vẫn kiên trì "ôm" cổ phiếu do lo sợ bán ra sẽ ghi nhận "lỗ thực" trong khi đó, nếu ôm cổ phiếu, thị trường hồi phục thì mức lỗ sẽ giảm. Dẫu vậy, với những pha giảm sâu của VN-Index như trong sáng cùng ngày, "dọa" về 1.220 điểm, nhiều nhà đầu tư vẫn "tái mặt".

"Mỗi ngày giá trị tài sản giảm thêm 100 triệu đồng, đó là cảm giác không hề dễ chịu" - anh Phạm Quân (TP Vinh) cho biết.

Trong khi đó, chị Nguyễn Mỹ Hạnh (ở Hà Nội) cho hay, với giá trị tài khoản đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, hiện chị đã lỗ 1,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng thua lỗ 15%. Dẫu vậy, nhà đầu tư này kiên trì không chịu bán ra. Đây cũng là một trong những lý do khiến thanh khoản thị trường thời gian này ở mức thấp, khi mà người "kẹp hàng" không bán ra nên không có dư địa tiền mặt để mua vào. 

Mất cả ô tô vì lỗ chứng khoán, sau 2 tuần mới đòi lại được chiếc... bánh xe

Ở phiên ngày 22/7, với sự dẫn dắt của cổ phiếu bất động sản, VN-Index đóng cửa tăng mạnh 22,88 điểm tương ứng 1,8% lên 1.293,67 điểm; VN30-Index tăng 21,94 điểm tương ứng 1,56% lên 1.428,48 điểm.

Thanh khoản tuy đã cải thiện so với phiên trước đó nhưng so mức bình quân một tháng thì vẫn thấp hơn đáng kể. Tiền mới vẫn chưa gia nhập mạnh mẽ và tâm lý nhà đầu tư vẫn thiên về phòng thủ.

Chỉ số tăng khi thanh khoản chưa thật sự bứt phá phần nào còn cho thấy bên cầm cổ phiếu chưa "nhượng bộ". Rất nhiều nhà đầu tư đang bị kẹt ở vùng giá 1.420 của VN-Index.

"Kinh nghiệm của những lần thị trường giảm mạnh trước đây, tôi không bán cổ phiếu khi thị trường bị bán tháo và vẫn quyết định giữ cổ phiếu. Có thể sẽ mất vài tháng, tuy nhiên, tôi tin mình sẽ lấy lại được những gì đã đánh mất" - chị Nguyễn Thanh Ngọc - một nhà đầu tư đã gia nhập thị trường hồi tháng 4 năm ngoái cho hay.

Tuy nhiên, cũng có những nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu từ vùng đỉnh, khi thị trường đi xuống, cổ phiếu liên tục giảm sàn nhưng khi thị trường đảo chiều tăng, tốc độ hồi phục của những mã này lại yếu hơn so với chỉ số.

"Trong 2 tuần qua, tài khoản giảm tương đương mất một chiếc ô tô nhưng mấy phiên hồi phục vừa qua mới chỉ lấy lại được vài chiếc bánh xe" - anh Hoàng Văn Quân (ở TP Vinh) chia sẻ.

Chứng khoán "rơi tự do" vào phút cuối, giới đầu tư ngơ ngác, ngỡ ngàng

Thị trường đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần kèm những trải nghiệm không hề dễ chịu với giới đầu tư. Diễn biến trong phiên tựa như đang "dội nước lạnh" lên hy vọng phấp phỏng của những người đang kiên trì "ôm" cổ phiếu chờ VN-Index vượt 1.300 điểm.

Suốt phiên, các chỉ số chính hầu như chỉ diễn biến dưới đường tham chiếu, báo hiệu một ngày giao dịch khó khăn.  Những tưởng sau một vài đợt "nhúng", áp lực bán sẽ giảm dần và nguồn cung đã cạn. Song với sự nhùng nhằng của VN-Index, nhiều nhà đầu tư cầm cổ phiếu đã không giữ được sự kiên nhẫn, quyết định bán mạnh.

Tại vùng giá hiện tại, những nhà đầu tư kịp bắt đáy cổ phiếu trong tuần khi VN-Index về sát 1.225 điểm hoặc thậm chí tại vùng 1.250 của VN-Index thì đến nay đã có lời. Việc chốt lãi T+ trong giai đoạn thị trường "tranh tối tranh sáng", chưa xác định rõ xu hướng phục hồi là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn trong danh mục cũng đã kịp cơ cấu lại tài khoản để tạo dư địa tiền mặt nhằm canh nhịp điều chỉnh của thị trường để mua vào giá rẻ.

Đóng cửa, VN-Index mất tới 24,84 điểm, còn 1.268,83 điểm (giảm 1,92%), đánh mất toàn bộ thành quả của phiên tăng ngày 22/7. 

Cú "đạp" vào cuối phiên, nhất là đợt ATC đã nhanh chóng lấy đi của VN-Index hơn 10 điểm. Nhiều nhà đầu tư "sốc" nặng, ngỡ ngàng đến ngơ ngác vì giá trị tài khoản "bốc hơi" nhanh chóng.

VN30-Index mất 26,95 điểm tương ứng 1,89% còn 1.401,53 điểm. Điều đáng nói là tại thời điểm 14h13, VN30-Index vẫn còn neo trên vùng 1.420 điểm và chỉ sau vài chục phút đã lao dốc thẳng đứng khiến nhà đầu tư không kịp trở tay.