VN-Index hồi phục gần 30 điểm: Mưa rào nhẹ sau kỳ hạn hán
(Dân trí) - Những nỗi bi quan, sự thấp thỏm, chán nản của nhà đầu tư suốt những ngày qua dường như đã vơi đi phần nào khi phiên chiều nay, thị trường hồi phục đầy ngoạn mục.
VN-Index tăng 29,78 điểm tương ứng 2,4% lên 1.273,29 điểm. VN30-Index tăng 36,87 điểm lên 1.411,02 điểm, tương ứng tăng 2,68%. HNX-Index cũng tăng mạnh 9,04 điểm tương ứng 3,1% lên 301,11 điểm và UPCoM-Index tăng 1,1 điểm tương ứng 1,33% lên 83,69 điểm.
Mức tăng nói trên là phấn khởi nhưng so với tổng mức giảm lên tới 200 điểm suốt hai tuần ròng rã vừa qua thì sự gỡ gạc chưa thể thấm vào đâu so với thiệt hại mà nhà đầu tư phải gánh chịu. Một phiên tăng gần 30 điểm của VN-Index ngay sau phiên giảm hơn 50 điểm và sau chuỗi giảm triền miên, nhiều nhà đầu tư ví von, tựa như cơn mưa rào nhẹ sau kỳ hạn hán.
Điểm tích cực là đã có dấu hiệu nhập cuộc của dòng tiền và nếu có thể duy trì thì xu hướng hồi phục của VN-Index có thể được xác lập.
Tổng nguồn tiền giao dịch trên HSX phiên hôm nay đạt 17.879,68 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt mức 568,6 triệu đơn vị. HNX có 92,85 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.068,43 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 44,19 triệu cổ phiếu tương ứng 728,82 tỷ đồng.
Trái ngược với phiên sáng, bức tranh thị trường sáng hẳn vào phiên chiều. Có tới 588 mã tăng giá, 41 mã tăng trần so với 231 mã giảm, 19 mã giảm sàn. Rổ Vn30 chỉ còn 2 mã giảm là KDH giảm 1,1% và VRE giảm nhẹ 0,4%. Các mã còn lại tăng giá. HPG tăng 6,8%; MWG tăng 5,2%; HDB tăng 4,7%; TPB tăng 4,6%; TCH tăng 4,4%; BVH tăng 4%; BID tăng 3,4%; VCB tăng 3,3%...
Sự lưỡng lự đầu phiên chiều nhanh chóng được xóa bỏ nhờ trạng thái bứt tốc của cổ phiếu ngành chứng khoán. SSI, AGR, ART tăng trần, VND tăng 9,5% áp sát mức trần 41.500 đồng; SHS tăng 8,8%; MBS tăng 8,6%; BVS tăng 7,6%; AAS tăng 7%; SBS tăng 6,9%; HCM và CTS cùng tăng 6,7%; BSI tăng 6,1%; VDS tăng 5,3%.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng cũng dần lấy lại được những thiệt hại của phiên hôm qua. SHB tăng 5,9%; SSB tăng 5,5%; HDB tăng 4,7%; TPB tăng 4,6%; MSB tăng 4,3%; OCB tăng 4%...
Trước đó, đến cuối phiên sáng, VN-Index mất thêm 13,38 điểm tương ứng 1,08% về còn 1.230,13 điểm. Có thời điểm, VN-Index về sát 1.224 điểm.
VN30-Index diễn biến tương đối tích cực đầu phiên nhưng sự giằng co của bên mua không giữ được chỉ số trước đà bán ra của phía cầm cổ phiếu. Chỉ số này giảm 11,45 điểm tương ứng 0,83% về còn 1.362,7 điểm.
Trong rổ VN30 vẫn có một số mã đạt được mức tăng như MWG tăng 2,2%; HPG tăng 1,2%; REE, TPB, TCH, MSN găng giá, SSI đứng tham chiếu, còn lại đều giảm.
Riêng VRE giảm tới 6%; PNJ giảm 3,9%; VJC giảm 3,3%; VIC giảm 2,4%. HNX-Index lình xình quanh ngưỡng tham chiếu, giảm nhẹ 0,58 điểm tương ứng 0,2% còn 291,49 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 0,17 điểm tương ứng 0,21% còn 82,41 điểm tại thời điểm khép lại phiên buổi sáng.
Chỉ số giảm sâu, nhiều mã cổ phiếu đã giảm mạnh so với mức đỉnh nhưng điều đáng lo ngại là thanh khoản vẫn rất thấp.
Giá trị giao dịch trên HSX sáng nay dừng ở mức 9.237,97 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt 291,58 triệu đơn vị. HNX có 49,61 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.106,94 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 22,98 triệu cổ phiếu tương ứng 377,79 tỷ đồng.
Toàn thị trường hiện có 435 mã giảm giá, 21 mã giảm sàn so với 282 mã tăng, 15 mã tăng trần.
Như vậy, phần lớn nhà đầu tư trên thị trường vẫn đang phải "cắn răng" chịu lỗ nếu đang "ôm" cổ phiếu".
Một số mã chứng khoán và ngân hàng sáng nay "khỏe" hơn so với thị trường là SHS, VNE, IVS, BVS; TPB. OCB, SHB cũng đang giữ được mức tham chiếu.
Sáng nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng 342,93 tỷ đồng, tập trung tại VHM, VCB, VRE, VIC, NVL, KDH, HPG. Trong khi đó, tự doanh các công ty chứng khoán lại mua ròng 125,77 tỷ đồng, mua mạnh VPB, ACB, STB, HPG, FPT, TCB…
Nhiều nhà đầu tư vẫn kiên trì "ôm" cổ phiếu do lo sợ bán ra sẽ ghi nhận "lỗ thực" trong khi đó, nếu ôm cổ phiếu, thị trường hồi phục thì mức lỗ sẽ giảm. Dẫu vậy, với những pha giảm sâu của VN-Index như sáng nay, "dọa" về 1.220 điểm, nhiều nhà đầu tư vẫn "tái mặt".
"Mỗi ngày giá trị tài sản giảm thêm 100 triệu đồng, đó là cảm giác không hề dễ chịu" - anh Phạm Quân (TP Vinh) cho biết.
Trong khi đó, chị Nguyễn Mỹ Hạnh (Hà Nội) cho hay, với giá trị tài khoản đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, hiện chị đã lỗ 1,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng thua lỗ 15%. Dẫu vậy, nhà đầu tư này kiên trì không chịu bán ra. Đây cũng là một trong những lý do khiến thanh khoản thị trường thời gian này ở mức thấp, khi mà người "kẹp hàng" không bán ra nên không có dư địa tiền mặt để mua vào.
Phiên sáng xanh song tâm lý phòng thủ xuất hiện
Trước đó, trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường trở lại trong hy vọng mong manh của giới đầu tư về sự hồi phục mạnh mẽ của các chỉ số sau khi đã lao dốc ròng rã hàng tuần liền.
Kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), VN-Index ghi nhận mức phục hồi. Tại thời điểm 9h15, chỉ số tăng 5,7 điểm lên 1.249 điểm; VN30-Index tăng hơn 8 điểm; HNX-Index cũng tăng hơn 1,7 điểm và UPCoM-Index tăng 0,3 điểm.
Trong giây lát, VN-Index lấy lại được ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, để thị trường có thể giữ được đà tăng tốt trong phiên sáng nay đòi hỏi những dấu hiệu nhập cuộc mạnh dạn hơn của dòng tiền.
Tâm lý phòng thủ "ôm" tiền mặt đang là cản trở đáng kể cho thị trường giai đoạn hiện tại. Theo đó, thị trường chỉ hồi trong chốc lát, áp lực bán lại khiến chỉ số quay đầu.
Với những pha giảm sâu, nhiều nhà đầu tư đang "kẹp" hàng đã chọn phương án bắt đáy để "đảo hàng". Theo đó, nhà đầu tư mua được cổ phiếu giá thấp sẽ bán ngay trong phiên khi có nhịp hồi để giảm giá bớt giá vốn trên lượng hàng sẵn có.
Thị trường bước vào giai đoạn khó khăn, đặc biệt gây ức chế với những nhà đầu tư chưa kịp cắt lỗ khi thị trường rơi mạnh từ vùng đỉnh xuống vùng giá hiện tại, đánh mất gần 200 điểm chỉ trong thời gian quá ngắn.
Giá cổ phiếu rơi quá mạnh nhưng hồi phục chỉ gỡ gạc được một phần nhỏ. Nhiều người không nỡ cắt lỗ, "bắt dao rơi" lỗ lại càng thêm lỗ. Trong vòng luẩn quẩn, nhiều người không giữ được sự sáng suốt để quản trị rủi ro cho danh mục sẽ dễ "dính" đòn tâm lý và thiệt hại càng nặng nề hơn.
Thông tin về kiểm soát dịch Covid-19 đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn khi số lượng ca nhiễm trong ngày 19/7 so với ngày 18/7 có sự sụt giảm.
Nhà đầu tư kỳ vọng, nếu ngày hôm nay và những ngày tới, số ca nhiễm giảm thì đỉnh dịch rơi vào ngày 18/7. Chỉ khi dịch được kiểm soát tốt thì triển vọng kinh tế phục hồi.