Một nhà đầu tư "hốt gọn" 25 triệu cổ phiếu Sacombank trong tích tắc

(Dân trí) - Với một lô giao dịch thỏa thuận phiên chiều, nhà đầu tư "giấu mặt" đã mua gọn 25 triệu cổ phiếu STB với mức giá thấp hơn giá tham chiếu 1.000 đồng/cp, tổng trị giá 522,5 tỷ đồng. Trong khi đó, tại EIB, khối lượng thỏa thuận gần 18 triệu đơn vị.

Một nhà đầu tư hốt gọn 25 triệu cổ phiếu Sacombank trong tích tắc
Sở GDCK TPHCM gần đây không công bố thông tin đăng ký thoái vốn hoặc mua vào số lượng lớn cổ phiếu STB.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng đổ vào Sacombank và Eximbank

Phiên giao dịch chiều 10/5 tiếp tục gây bất ngờ khi cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được giao dịch với khối lượng "khủng" dưới phương thức thỏa thuận với trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý của giao dịch này đó là lô cổ phiếu 25 triệu đơn vị STB đã được mua gọn tại mức giá 20.900 đồng, thấp hơn mức giá tham chiếu 21.900 đồng và thấp hơn mức giá đóng cửa 22.000 đồng của STB. 

Hiện không xác định ai là người mua và ai là người bán khối lượng cổ phiếu lớn trên. Riêng trong chiều nay, người mua đã phải bỏ ra tới 522,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do mua rẻ hơn so với giá tham chiếu 1.000 đồng/cp nên bên mua đã "hời" khoảng 25 tỷ đồng.

Nếu tính cả 47,355 triệu cổ phiếu đã được thỏa thuận trong chiều qua (tương ứng 1.037,1 tỷ đồng), trong hai ngày liên tiếp, đã có 1.559,6 tỷ đồng đổ vào STB và chưa rõ ai là người đứng sau các lô giao dịch "khủng" gần 73 triệu cổ phiếu này. 

Trong trường hợp cùng 1 người mua thì khối lượng giao dịch thỏa thuận tại STB trong 2 phiên hôm qua và hôm nay đã chiếm 7,43% tổng khối lượng cổ phiếu STB đang giao dịch trên thị trường.

Theo quan sát của Dân trí, trên HSX thời gian gần đây không hề có thông tin nào về việc đăng ký giao dịch cổ phiếu STB liên quan đến cổ đông nội bộ hoặc cổ đông lớn hoặc thoái vốn/ mua thêm khối lượng lớn khiến tỷ lệ sở hữu thay đổi vượt quá ngưỡng 1%.

Không kém phần sôi động, tại EIB cũng có thêm 17,7 triệu cổ phiếu được giao dịch với 3 lô lớn, tổng trị giá 276 tỷ đồng. Lô thỏa thuận lớn nhất có khối lượng 9,36 triệu đơn vị trị giá 150 tỷ đồng.

GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam cũng được giao dịch với phương thức tương tự 4,5 triệu đơn vị ở mức giá 51.000 đồng, tổng trị giá 229,5 tỷ đồng. Giữa lúc đó, trên thị trường GAS tăng 500 đồng lên mức 55.000 đồng/cp. So với mức giá đóng cửa, nhà đầu tư "ẩn danh" chiều nay đã mua rẻ hơn tới 4.000 đồng/cp, mức chênh lệch lên tới 18 tỷ đồng.

Thống kê toàn phiên, sàn TPHCM (HSX) có 45,18 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận, tổng giá trị giao dịch gần 895 tỷ đồng.

Qua đó đẩy khối lượng giao dịch trên HSX chiều nay lên con số 85,6 triệu cổ phiếu,  thanh khoản đạt 1.596,3 tỷ đồng. HNX có 31,4 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng 235,5 tỷ đồng. Tiền chảy vào thị trường trong ngày đạt trên 1.800 tỷ.

Nhà đầu tư phản ứng ngược với thông tin lãi suất?

Thông thường, khi lãi suất huy động của ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán thường tăng điểm do kỳ vọng dòng tiền sẽ chuyển hướng từ tiết kiệm sang đầu tư cho cổ phiếu.

Thế nhưng, trong phiên hôm nay, các chỉ số dường như đang phản ứng ngược với thông tin lãi suất chính sách đồng loạt giảm. Thậm chí, từ ngày hôm qua, các ngân hàng quốc doanh còn giảm mạnh lãi suất 1-3% so với biên độ mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

VN-Index đảo ngược vị thế tăng điểm trong phiên sáng, mất 0,12 điểm tương ứng 0,02% xuống 486,1 điểm tại thời điểm đóng cửa. HNX-Index tương tự nới rộng biên độ giảm, mất 0,16 điểm tương ứng 0,26% xuống 60,48 điểm.

Số mã giảm trên cả HSX ở mức 119 mã và tại HNX là 115 mã trong khi số mã tăng lần lượt 82 mã và 74 mã. Kết quả chỉ số phiên chiều cũng chính là câu trả lời cho tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" diễn ra trong phiên sáng.

VN30 số mã giảm còn 15 mã, và có 8 mã tăng khiến chỉ số mất 0,72 điểm tương ứng 0,13%. Mã tăng mạnh nhất là MSN với biên độ 2.000 đồng/cp; mã giảm mạnh nhất là KDC với biên độ 1.000 đồng/cp.

HNX30 có 17 mã giảm và chỉ có 5 mã tăng, chỉ số đánh mất 0,28 điểm tương ứng 0,25%. Mức tăng/giảm tại các mã không đáng kể, tăng mạnh nhất tại PVC với 500 đồng/cp trong khi đó giảm mạnh nhất là PGS, PLC và PVV với mức 200 đồng. Do thị giá thấp 2.700 đồng/cp nên mức giảm này cũng đủ khiến PVV chạm sàn.

Nhà đầu tư ngoại phiên chiều tiếp tục gom mạnh KBC. Khối lượng mua vào của khối ngoại tại mã này cuối phiên lên tới 841 nghìn đơn vị trong khi tại ITA là 221 nghìn. Các cổ phiếu BVH, HPG, PVD, MSN đều được mua mạnh trên 100 nghìn cổ phiếu.

Mai Chi