1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Một cổ phiếu "lau sàn" 19 phiên, lãnh đạo và người nhà tháo chạy

Mai Chi

(Dân trí) - Trong bối cảnh DDG đã "bốc hơi" gần 86% về thị giá thì nhiều lãnh đạo và người nhà của doanh nghiệp đồng loạt đăng ký bán ra cổ phiếu này.

Phiên giao dịch sáng nay (9/5), cổ phiếu DDG của Công ty cổ phần Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex) vẫn chưa ngắt chuỗi giảm sàn. Phiên hôm nay, DDG tiếp tục mất thêm hơn 9%, giảm sàn về mức giá 6.000 đồng, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 19 liên tục. Từ mức giá 42.200 đồng/cổ phiếu phiên 7/4, đến nay, DDG đã "bốc hơi" gần 86%.

Điều đáng chú ý là trong khi DDG bị bán tháo thì các lãnh đạo và người nội bộ công ty cũng dồn dập đăng ký bán ra cổ phiếu này.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - đăng ký bán gần 909.000 cổ phiếu. Bà Trần Kim Sa - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc công ty - đăng ký bán 498.500 trên cả 2 phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, dự kiến trong khoảng thời gian 10/5-5/6 nhằm mục đích phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.

Con bà Sa là Yang Kiều An cũng đăng ký bán toàn bộ 476.200 cổ phiếu đang nắm giữ với lý do tài chính cá nhân. Yan Tuấn Anh, một người con khác của bà Sa, hiện là người phụ trách quản trị công ty đăng ký bán hơn 1 triệu cổ phiếu DDG - tương đương hơn một nửa số cổ phiếu đang nắm giữ.

Vợ của ông Trần Kim Cương - Phó tổng giám đốc - là bà Trần Ngọc Phụng cũng đăng ký bán ra toàn bộ hơn 2,7 triệu cổ phiếu DDG đang sở hữu. Các giao dịch trên đều dự kiến thực hiện kể từ 10/5 đến 5/6.

Giải trình về chuỗi "lau sàn" của cổ phiếu DDG, Indochine Imex cho biết giá cổ phiếu giảm do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giá cổ phiếu giảm do cung cầu của thị trường nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Hiện tại, công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Một cổ phiếu lau sàn 19 phiên, lãnh đạo và người nhà tháo chạy - 1

DDG đột ngột bị bán tháo sau một thời gian dài đi ngang trên vùng giá 40.000 đồng (Biểu đồ: Tradingview).

Tình hình các chỉ số vẫn diễn biến tích cực trong phiên sáng nay mặc dù áp lực chốt lời đã hiện diện ngày càng rõ nét. VN-Index tạm đóng cửa với mức tăng 2,11 điểm tương ứng 0,2% lên 1.055,55 điểm; HNX-Index tăng 0,32 điểm tương ứng 0,15% lên 211,24 điểm; trong khi UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ 0,11 điểm tương ứng 0,15% còn 78,27 điểm.

Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường. Thanh khoản sáng nay cải thiện so với sáng hôm qua. Khối lượng giao dịch đạt 316 triệu cổ phiếu tương ứng 5.180 tỷ đồng trên HoSE và 41 triệu cổ phiếu tương ứng 664 tỷ đồng trên HNX.

Độ rộng thị trường khá cân bằng với 359 mã tăng giá, 27 mã tăng trần so với 336 mã giảm giá, 12 mã giảm sàn.

Cổ phiếu ngân hàng ủng hộ đà tăng của thị trường, hầu hết tăng giá nhưng biên độ tăng khá hẹp. LPB tăng 2,2% là mức tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng trên HoSE, CTG, TPB cùng tăng 0,9%, các ông lớn như VCB, BID cũng tăng giá.

Cổ phiếu ngành tài chính, ngược lại, hầu hết điều chỉnh song mức điều chỉnh không sâu. TVB giảm 3,3%; FTS giảm 2,5%; AGR giảm 1,6%; IBC giảm 1,2%; EVF giảm 1,2%; CTS giảm 1,2%; BSI giảm 1%...

Cổ phiếu tài nguyên cơ bản phân hóa, nếu HHP tăng trần, YBM tăng 6,8%; NKG tăng 3,4%; HSG tăng 2,2%; TLH tăng 2,1%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm