"Môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay giống Thái Lan 20 năm trước"

(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam khẳng định tại buổi tiếp phóng viên nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan đến Việt Nam chiều qua (8/7).

Ông Sanan nói: "Môi trường đầu tư của Việt Nam tương đối giống Thái Lan cách đây 20 năm. Lúc đó, Thái Lan mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, trước tiên là Nhật Bản rồi nhiều nước khác. Chính phủ Thái Lan khi đó chỉ nghĩ đến lợi ích tạo việc làm, đưa đất nước thoát khỏi nông nghiệp.

Hàng hóa Thái Lan đang xâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào Việt Nam
Hàng hóa Thái Lan đang xâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào Việt Nam

Ông này chia sẻ kinh nghiệm: "Lợi ích đạt được là doanh nghiệp (DN) nước ngoài tạo công ăn việc làm. Nếu không có FDI, Thái Lan sẽ mãi chỉ là nước nông nghiệp. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây đã làm thay đổi các tập quán sản xuất, áp dụng công nghệ, biến các nông dân Thái thành các nhà sản xuất có kỷ luật, tác phong công nghiệp".

Nhấn mạnh yếu tố đang giúp Việt Nam bắt mắt hơn trong giới đầu tư, thương nhân Thái Lan, ông Tussin Mahamongkol, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam nói: “Việt Nam có chi phí sản xuất rẻ hơn, công nhân Việt Nam chăm chỉ, có tay nghề hơn. Việt Nam cũng ký kết nhiều hiệp định thương mại với các nước và khu vực trên thế giới… Đó là lợi thế cho Việt Nam thu hút FDI từ các nước, trong đó có Thái Lan.

Ông Tussin tiết lộ, ông là người Thái nhưng đã có 21 năm làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Ông cũng có vợ là người Việt Nam và ông cũng là 1 trong những doanh nhân nói rất thạo tiếng Việt Nam. "Người Thái rất yêu quý người Việt, muốn sinh sống, làm việc tại Việt Nam như quê hương thứ 2. Hiện để xúc tiến thương mại vào thị trường Việt Nam, nhiều quan chức, doanh nghiệp Thái đã học và nói thạo tiếng Việt", ông Tussin nói.

Trước đó, ông Don Pramudwinai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan cho hay: Thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan đã tăng trưởng hơn 40% trong suốt 5 năm qua. Trong thời gian qua, dù những biến động của kinh tế khu vực và thế giới nhưng kim ngạch thương mại năm 2015 của Thái Lan và Việt Nam vẫn đạt 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Ông này cho biết, nhờ các lợi thế hội nhập của ASEAN, mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp giữa Chính phủ, doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam, do đó kỳ vọng năm 2020, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt con số 20 tỷ USD.

Ông Don Pramudwinai khẳng định: "Các nhà đầu tư, doanh nhân Thái không không muốn thua các doanh nhân, nhà đầu tư các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiện, người Thái đã đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam, và đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, số vốn đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng do cơ hội của Việt Nam ngày càng rộng mở đối với DN Thái, rất nhiều DN lớn của Thái Lan đã vào Việt Nam".

"Chúng tôi không muốn thua kém các nước bạn ở xa. Với lợi thế địa lý, doanh nghiệp Thái sẽ chủ động sang Việt Nam mở rộng sản xuất kinh doanh, chia sẻ lợi ích. Chúng tôi muốn cùng doanh nghiệp Việt áp dụng kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng giá thành rẻ hơn", ông Sanan nói, đồng thời cho biết đã kiến nghị lên Chính phủ Thái Lan xem xét thị trường Việt Nam.

"Chính phủ sẽ định hướng, lôi kéo các doanh nghiệp Thái đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam muốn hoặc đang thiếu như cơ sở hạ tầng, vận tải, làm đẹp, thẩm mỹ", Bộ trưởng Don Pramudwinai khẳng định.

Theo các DN Thái Lan, hiện các sản phẩm của Thái Lan rất được ưa chuộng do tìm hiểu kỹ thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Hàng Thái sang Việt Nam nhiều bởi vì người Việt thích dùng hàng Thái. Tuy nhiên, đồ gỗ của Việt Nam cũng được người Thái rất thích, nhiều khách sạn 5 và 6 sao của Thái Lan thích dùng đồ gỗ nhập từ Việt Nam. Hàng Việt cũng đã và đang được người Thái ưa chuộng, trong đó có nông lâm sản và thủy sản.

Nguyễn Tuyền