Mỗi ngày tiêu thụ 10.000 con heo, tại sao nông dân TPHCM vẫn khó bán?

(Dân trí) - Người dân TPHCM mỗi ngày tiêu thụ 10.000 con heo, vậy mà nông dân TPHCM chỉ xuất chuồng 1.000 con/ngày vẫn không bán được. Trong khi đó, diêm dân Cần Giờ càng làm muối càng lỗ… Đây là những vấn đề nóng được đại biểu TPHCM đặt ra tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân TPHCM khoá IX.

Sáng nay (6/7) kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 3 với phiên thảo luận tại hội trường với nhiều vấn đề nóng liên quan đến nông nghiệp.

Nông dân thành phố cũng “lao đao”

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đặng Thị Phương Ninh chia sẻ: “Nói về khủng hoảng thừa thịt heo thời gian qua, tôi thấy nhiều trường hợp người dân TP phải tự mổ heo và bán thịt heo ở những nơi không được phép bán. Nói chung là chúng ta cũng phải du di cho bà con bán, nhưng nhìn cảnh đó thì quá đau lòng!”.

Từ đó, bà đặt vấn đề: “Mỗi ngày TP tiêu thụ 10.000 con heo, còn nông dân TP chỉ xuất chuồng chừng 1.000 con heo/ngày mà tại sao lại tiêu thụ không được?”.

Đại biểu Đặng Thị Phương Ninh cho biết người nuôi heo TP cũng phải tự mổ heo đem ra đường bán
Đại biểu Đặng Thị Phương Ninh cho biết người nuôi heo TP cũng phải tự mổ heo đem ra đường bán

Còn đại biểu Trần Văn Thuận thì yêu cầu: “Phải làm sao giải quyết cho được tình trạng được mùa mất giá. Tôi tiếp xúc bà con diêm dân ở Cần Giờ thì được biết giá muối rất thấp, bán không được, mà bán được cũng lỗ. Vai trò của sở là như thế nào trong việc giúp bà con tiêu thụ sản phẩm làm ra?”.

Đại biểu Trần Văn Thuận thì lo ngại về đời sống của bà con diêm dân Cần Giờ
Đại biểu Trần Văn Thuận thì lo ngại về đời sống của bà con diêm dân Cần Giờ

Trước câu hỏi của đại biểu Ninh, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu Sở Công Thương phải trả lời vì xúc tiến tiêu thụ sản phẩm có phần trách nhiệm của sở này.

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho rằng, thời gian qua xảy ra nhiều lần nông sản dư cung như vải, dưa hấu, chuối, thịt heo… Trong quá trình đó, người dân TP đã tham gia nhiều lần vào việc hỗ trợ “giải cứu” các nông sản trên cho các tỉnh.


Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, trả lời tại hội trường

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, trả lời tại hội trường

Tuy nhiên, việc ông Đông trả lời vòng vo và không đả động gì đến hiện trạng của người nuôi heo TPHCM khiến bà Quyết Tâm không hài lòng. Bà nói: “Không thể đổ lỗi cho người nông dân! Nếu nói thịt của nông dân TP không đạt chất lượng nên người dân TP không tiêu thụ là do mình (chính quyền TP – PV). Nếu nói nông sản nông dân TP cung cấp không đúng nhu cầu của người dân TP nên bán không được thì cũng là do mình”.

Phải tiêu thụ hết nông sản của nông dân thành phố

Trả lời cử tri, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết: “Thị trường thì phải theo quy luật cung cầu, chúng ta lo cho nông dân TP chúng ta nhưng cũng phải theo quy luật cả nước. TP đã giao nhiệm vụ cho các công ty như Satra, Saigon Co.op xem xét ký hợp đồng tiêu thụ cho người nông dân, ưu tiên để giải quyết nông sản trên địa bàn của chúng ta”.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết đã giao cho các tổng công ty của TP giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân TP
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết đã giao cho các tổng công ty của TP giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân TP

Còn về vấn đề bà con diêm dân Cần Giờ càng làm muối càng lỗ, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM - cho biết: “Thực ra bà con sản xuất không có lời. Hàng năm TP phải hỗ trợ về giá thành và vận chuyển cho bà con đến hơn 500 đồng/kg. Làm muối rất bấp bênh!”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm việc với huyện Cần Giờ về định hướng giảm diện tích làm muối và đã đạt được sự đồng thuận, đang đề xuất TP cho giảm diện tích làm muối để chuyển dịch sang nuôi trồng thủy sản và ngành nghề khác có thu nhập cao hơn”.

Theo ông Trung, diêm dân Cần Giờ càng làm càng nghèo nên cần phải chuyển đổi sang nghề khác
Theo ông Trung, diêm dân Cần Giờ càng làm càng nghèo nên cần phải chuyển đổi sang nghề khác

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cũng cho biết, chính phủ đã đồng ý chủ trương cho TP chuyển đổi quy hoạch sản xuất nông nghiệp. "Hiện TPHCM có 18.000 ha đất lúa. Nếu chuyển khoảng 15.000 ha diện tích sản xuất lúa sang cây trồng khác thì tăng doanhh thu mỗi năm cũng gần 6.000 tỷ đồng. 3.000 ha muối cũng vậy, chuyển sang nuôi trồng nông sản khác sẽ tăng giá trị ngành nông nghiệp TP rất nhiều”, ông Liêm cho biết.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị: “Sắp tới, ngành nông nghiệp làm sao phải đảm bảo người nông dân sản xuất theo định hướng quy hoạch, không sản xuất tự phát. Và khi người dân làm theo định hướng đó thì làm sao phải tiêu thụ được hết sản phẩm của người nông dân!”.

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Nguyễn Quang