1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mô hình ngân hàng Síp: Thiên đường trốn thuế và rửa tiền

(Dân trí) - Khu vực ngân hàng của Síp tăng trưởng mạnh nhờ hút dòng vốn ngoại với lãi suất tiết kiệm cao, quy mô lớn gấp 8 lần nền kinh tế trong khi tỷ lệ cho vay trên tiền gửi là 100%. "Bản án tử hình" là báo trước khi khủng hoảng tín dụng xảy ra.

Ngân hàng Síp: Thiên đường trốn thuế và rửa tiền
Phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng, với tỷ lệ cho vay/tiền gửi là 100% nên khi khủng hoảng tín dụng xảy ra ngân hàng Síp khó tránh khỏi phá sản.

Bài học về khủng hoảng ngân hàng

Cập nhật về tình hình ngành ngân hàng tại đảo Síp, bài viết nổi bật trên trạng nhất Reuters ngày 20/3 đã đặt câu hỏi, liệu đã từng xảy ra những điều tương tự như hệ thống ngân hàng của Síp hôm nay đang phải đối mặt bờ vực phá sản?

Cũng giống như Iceland và Ireland trước đó, Cộng hòa Síp đang phải vật lộn để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng có quy mô quá khổ, lớn hơn nền kinh tế, có thể sẽ kéo nước này lún sâu hơn trong khủng hoảng.

Thực tế kinh nghiệm của Iceland và Ireland cho thấy, dù thế nào đi nữa, Síp cũng phải đi đến quyết định đối phó với khủng hoảng của chính mình, không tránh khỏi đau đớn.

Trong khi Iceland đã làm được điều mà các quốc gia khác không dám là “trảm nhà băng” – cho phép các ngân hàng phá sản và tiến tới áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, xây dựng thị trường tài chính cho nền kinh tế khó khăn của họ, thì Ireland lại quốc hữu hóa hầu hết khu vực tài chính, đưa gánh nặng nợ nần tăng gấp 4 lần, áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Cả Iceland lẫn Ireland đều trong quá trình tăng trưởng trở lại, song những vấn đề cơ bản vẫn còn khi các hộ gia đình của cả 2 quốc gia này vẫn chìm ngập trong những món nợ. Ireland mắc kẹt với tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 14% và Iceland thì phải nâng phạm vi kiểm soát vốn do lo sợ dòng tiền chuyển hướng, thất thoát ra các quỹ bên ngoài.

Rắc rối của Síp bắt nguồn từ Hy Lạp và những tổn thất của hai ngân hàng lớn nhất của Síp là Bank of Cyprus và Marfin Popular phải chịu đựng khi các nhà lãnh đạo Eurozone hồi cuối năm 2011 đã đồng ý giảm giá trị các trái phiếu chính phủ Hy Lạp mà các chủ nợ tư nhân đang nắm giữ. Do vậy, với việc nắm giữ trái phiếu Hy Lạp nên khi khủng hoảng xảy ra tại nước láng giềng, hai ngân hàng của Síp đã không tránh khỏi thâm hụt.

Để giải cứu hệ thống ngân hàng và để thanh toán nợ cho Chính phủ, Síp sẽ cần tới 17 tỷ EUR, gần tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này.
Mức này được cho là tương đối nhỏ so với gói cứu trợ EU-IMF từng dành cho Hy Lạp và Ireland trước đây, quy mô lần lượt là 240 tỷ EUR và 67,5 tỷ EUR cho mỗi nước. Song 17 tỷ EUR đối với hòn đảo 1 triệu dân là một gánh nặng quá lớn.

Cái chết báo trước

Nhìn về quá khứ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ ở Hy Lạp, đất nước đã giúp các ngân hàng Síp tăng gấp đôi quy mô các khoản cho vay lên mức 72 tỷ  EUR trong vòng 6 năm, thì các ngân hàng của Síp cũng đã “phình to” lên đáng kể nhờ dòng tiền từ Nga chảy vào kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.

Khu vực ngân hàng của Síp hiện nay đã lớn gấp 8 lần so kích thước của nền kinh tế. Trong khi tỷ lệ này là 10 lần đối với Iceland và hơn 4 lần Ireland trước khi xảy ra khủng hoảng. Các ngân hàng của Ireland và Iceland cũng đã từng áp dụng kinh phí rẻ và là điểm đến của giới đầu cơ.

Sau khi Quốc hội từ chối dự luật đánh thuế tiền gửi, Chính phủ Síp vẫn chưa tìm được lối thoát.
Sau khi Quốc hội từ chối dự luật đánh thuế tiền gửi, Chính phủ Síp vẫn chưa tìm được lối thoát.

Lãi suất tiết kiệm cao, thuế suất thấp đã khiến Limassol, trung tâm tài chính của hòn đảo trở thành một “Lima grad” – điểm đến của dòng tiền từ các doanh nghiệp và người dân Nga.

Ước tính khoảng 70 tỷ EUR tiền gửi tại Síp, 1/3 trong số đó là từ dòng tiền từ bên ngoài gửi vào, hầu hết được cho là của người Nga. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Síp, tính đến cuối năm 2012, tổng tiền gửi đã tăng lên gần 2/3 trong khoảng thời gian hơn 6 năm.

Trên thực tế, bảng cân đối tiền gửi-tài trợ của các ngân hàng Síp, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi lên gần 100%, là một mô hình của nhiều hệ thống khác. 

Các ngân hàng Ireland và Iceland đều có sự phụ thuộc và thị trường liên ngân hàng, là bằng chứng cho thấy một "bản án tử hình" với các ngân hàng đã có sẵn khi khủng hoảng tín dụng xảy ra.

Tuy nhiên, kích thước của các dòng vốn đã làm dấy lên lo ngại khi hòn đảo này đã trở thành một nơi trú ẩn cho hoạt động rửa tiền và trốn thuế.

Một ngân hàng Nga là Alfa Bank, ước tính rằng, 70 tỷ USD vốn tiết kiệm đã chảy khỏi Nga trong vòng hai thập kỷ, điểm đến chính là Síp.

Síp là nơi đón nhận lớn nhất các khoản đầu tư trực tiếp của Nga năm 2011, chiếm tổng trị giá lên tới 121,6 tỷ USD trên tổng số 362 tỷ USD, theo dữ liệu được Ngân hàng trung ương Nga cung cấp.

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s hồi tuần trước cũng đã cho hay, vào cuối năm 2012, các ngân hàng Nga có khoảng 12 tỷ USD tại các ngân hàng của Síp và tiền gửi của các doanh nghiệp Nga tại các ngân hàng Síp có thể vào khoảng 19 tỷ USD.

Mặc dù có giáp ranh với Hy Lạp, song tiền gửi tại các ngân hàng Síp phần lớn ổn định trong năm ngoái, một phần do niềm tin rằng những khoản tiền gửi sẽ được bảo vệ và sẽ không bị ảnh hưởng do lãi suất tiết kiệm rất cao.

Ước tính của Reuters dựa trên dữ liệu ECB cho thấy, một người gửi tiền tại các ngân hàng Síp trong vòng chưa tới 1 năm đã được trả lãi suất gần 13% kể từ khi cuộc khủng hoảng Hy Lạp bắt đầu nổ ra, cao hơn rất nhiều so với mức lợi tức trên 3% ở các ngân hàng của Đức.

Dù vậy, trong 10 ngày qua, khi xuất hiện những tin đồn đầu tiên về các khoản thuế tiết kiệm, ước tính khoảng 2 tỷ EUR đã lập tức được những người gửi tiền từ Nga rút ra.

Theo các đề xuất cứu trợ tài chính đối với Síp, sẽ có một mức thuế tiền gửi chung, trong đó khả năng sẽ được thiết lập ở mức 20-30% và Síp sẽ phải thu hẹp khu vực ngân hàng của mình về với mức trung bình của EU, vào khoảng 3,5 lần GDP vào 2018.

Iceland đã áp đặt việc kiểm soát vốn để hạn chế sự thất thoát dòng tiền ra khỏi nước này từ 2008 và có thể Síp sẽ phải làm tương tự như vậy khi các ngân hàng mở cửa trở lại.

Ngay cả khi một phương án chung thỏa thuận được thì niềm tin vào sự an toàn đối với những khoản tiền gửi tại các ngân hàng Síp có thể bị suy yếu, đặc biệt với những người gửi tiền ngoại quốc do họ có nhiều sự lựa chọn về nơi giữ tiền.

Điều này đòi hỏi Síp sẽ phải áp dụng việc duy trì các biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng leo thang - song song với Iceland, nơi có các ngân hàng ngoại cỡ cũng đang lo ngại.

Bích Diệp
Theo Reuters