Mô hình Kinh tế Hình ảnh có thể trở thành một môn học
(Dân trí) - Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - có những cảm nhận về bài viết “Mô hình kinh tế hình ảnh - Sự lựa chọn tối ưu cho phát triển Doanh nghiệp và nền kinh tế” của tác giả Nguyễn Liên Phương - Học Viện Doanh nhân LP Việt Nam.
Sau khi đọc toàn văn bài viết mang tên: “Mô hình Kinh tế Hình ảnh - Sự lựa chọn tối ưu cho phát triển Doanh nghiệp và nền kinh tế”, tôi phần nào nhận chân thông điệp mà tác giả muốn gửi tới người đọc một lý thuyết mới có tính hệ thống về kinh tế hình ảnh. Theo đó, tôi đánh giá rất cao sự đề cao vai trò, ý nghĩa và nội hàm của hình ảnh đối với nhận thức của Doanh nghiệp và nền kinh tế.
Có thể nói không ai có thể phủ nhận sự hiện hữu của hình ảnh trong đời sống xã hội loài người nói chung và trong nền kinh tế nói riêng, đặc biệt là trong quá trình sản xuất - phân phối - lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế thị trường. Thậm chí, hình ảnh còn phản ánh trình độ văn minh của nền kinh tế qua các thời kỳ thông qua kiểu dáng, hình thức, kích cỡ và hình thức bảo vệ trang trí bên ngoài sản phẩm hàng hoá…
Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu những cổ xuý cho nội hàm, vai trò hay ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hình ảnh trong mối quan hệ với sản phẩm hàng hoá và/hoặc với nền kinh tế thị trường chỉ dừng lại ở mức tương đương như một bộ môn kinh tế ngành để đưa vào giảng dạy hay phổ biến ra cuộc sống thì hướng phát triển của môn học này sẽ tốt hơn và dễ chấp nhận hơn.
Trong quá trình đọc, khi bắt gặp trong bài viết quá nhiều cụm từ mà mỗi khi dùng đến nó, lẽ ra phải hết sức cẩn trọng về nội hàm khoa học, về lịch sử hình thành và đặc biệt là về sự phổ quát đương đại của chúng, nhưng lại thấy tác giả dường như đã quá dễ dãi về việc sử dụng chúng.
Những phạm trù hết sức phổ quát và đã trở thành nền tảng cho khoa học kinh tế như: Hình thái kinh tế - xã hội; kinh tế; học thuyết; mô hình kinh tế; bộ môn kinh tế… nhưng tác giả đã dễ dãi gắn vào trước làm định ngữ cho cụm từ “Hình ảnh” để kỳ vọng cho ra đời một học thuyết mới hay cao hơn là một hình thái kinh tế - xã hội mới, thì e rằng sẽ không thể giải thích được các khái niệm khoa học trước đó đã trở thành kinh điển.
Ví dụ, ngay ở lời mở đầu, tác giả viết: “Bước vào thế kỷ 21, kinh tế hình ảnh đang dần lộ diện là hình thái kinh tế mới của thế giới”. Tiếp theo đó là một loạt điệp từ “Lý thuyết kinh tế hình ảnh và mô hình kinh tế hình ảnh” sẽ soi rọi…, chỉ ra cách thức…, trang bị vũ khí cạnh tranh…, về các xu hướng mới của thị trường và các mô hình kinh doanh hiện đại trên thị trường toàn cầu…, lần đầu tiên được công bố trong cuộc họp báo ngày 01/12/2010…, để giới thiệu về công trình nghiên cứu của tác giả về “Mô hình kinh tế hình ảnh - Sự lựa chọn tối ưu cho phát triển Doanh nghiệp và nền kinh tế”. Chính sự dễ dãi trong việc sử dụng các phạm trù trong khoa học kinh tế như vậy, đã gây sự tò mò và hoài nghi rất không đáng có đối với người đọc.
Sự thực khi tiếp cận với bài viết mang tên nêu trên, tôi đã kỳ vọng sẽ tìm thấy nội hàm của một bộ môn kinh tế mới mà ở đó sẽ cung cấp cho nguời đọc và/hoặc trong tương lai là người học những kiến thức mới cấu tạo nên đối tượng, phạm vi, nội hàm của môn học về kinh tế hình ảnh.
Theo logic thông thường của cụm từ “kinh tế hình ảnh”, trong đó tính từ “kinh tế” được đặt trước danh từ “hình ảnh”, có nghĩa là hình ảnh đó có được một cách kinh tế, mang tính kinh tế và/hoặc đơn giản là hình ảnh đó có được với mức tiết kiệm được bao nhiêu.
Vì kinh tế là một phạm trù chỉ tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con người và xã hội liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực có giới hạn (Theo Bách khoa toàn thư - nguồn Wikipedia). Thậm chí kinh tế còn được định nghĩa ngắn gọn dưới dạng một tính từ chỉ “tiết kiệm” được bao nhiêu các nguồn lực của sản xuất, lưu thông, phân phối…
Còn bản thân danh từ “hình ảnh” nếu đứng riêng rẽ thì nó cũng là một phạm trù hết sức rộng rãi có thể sử dụng trong đời sống kinh tế, xã hội, tự nhiên và chủ yếu để mượn các tính từ khác khi mô tả thẩm mỹ, kiểu dáng, cấu trúc phối cảnh, hay đơn giản là mô tả vẻ đẹp của con người, thiên nhiên hay nghệ thuật sắp đặt và/hoặc cách bài trí… Đôi khi hình ảnh cũng là ngôn ngữ để phản ánh trạng thái tâm lý hay tình cảm của con người, kiểu như cụ Nguyễn Du đã thốt lên trong chuyện Kiều: “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”…
Đi sâu vào nội dung chính của bài viết, kỳ vọng nêu trên của tôi còn ít được đáp ứng. Thậm chí không những ít gặp sự giải thích hay sự khái niệm nào về nội hàm của kinh tế hình ảnh theo logic của nó mà còn bất ngờ đọc được khá nhiều cụm từ lạ nhưng được gắn với các phạm trù kinh điển trong khoa học kinh tế, như: “hình thái kinh tế công nghiệp… xu hướng này được gọi là kinh tế tri thức, nhưng trên thực tế khái niệm này không rõ ràng” (ý muốn nói là có tính phủ định kinh tế tri thức) và thay vào đó là: “những bộ não thông minh nhất đã thực hiện một cách tiếp cận mới…, đó là đầu tư cho nghệ thuật tạo hình ảnh”… để cổ xuý cho kinh tế hình ảnh…(trang 1).
Mặc dù không tìm thấy nội hàm được định nghĩa rõ ràng thể nào là kinh tế hình ảnh (phạm vi, đối tượng, nội dung, mô hình và/hoặc công thức… ), nhưng người đọc lại thấy rất nhiều nội dung bài viết cổ xuý và ca ngợi ý nghĩa của kinh tế hình ảnh (KTHA): rằng: “KTHA góp phần quan trọng tạo ra bộ mặt thế giới mới”; rằng: “kinh tế hình ảnh chỉ cần điều kiện công nghệ đạt chuẩn của thị trường mục tiêu…” (trang 2); rằng: “mô hình KTHA là hình thái kinh tế hậu công nghiệp bao gồm 2 yếu tố: kinh tế công nghiệp với công nghệ đạt chuẩn cùng sự quản trị hiện đại và yếu tố phát triển là nghệ thuật tạo hình ảnh ấn tượng…”; rằng KTHA có khả năng “cá nhân hoá hình ảnh sản phẩm tạo ra lợi ích tối đa cho người tiêu dùng, tránh được cuộc chiến khốc liệt về giá do tính đa dạng, sự độc đáo và luôn đổi mới của hàng hoá và dịch vụ” (trang 3) v.v
Sau khi đọc xong cả 5 trang “PR” về KTHA mà tác giả rất say sưa trình bày về “tính khả thi cao” - có thể bắt đầu ngay từ một xuất phát điểm công nghiệp hoá còn thấp, vốn dầu tư ít, nguồn lực mọi mặt còn hạn chế…” (trang 4), tôi thực sự chưa tìm được câu trả lời rằng thực ra “Mô hình KTHA” mà bài viết đã trình bày thực ra là được hiểu nó ở cấp độ nào trong các thang bậc của khoa học kinh tế học nói riêng và kinh tế - chính trị học nói chung?
Tuy nhiên, nếu được hỏi, cá nhân tôi vẫn cho rằng xuất phát từ lý luận, thực tiễn và từ những ý tưởng của chính tác giả, KTHA hoàn toàn có thể trở thành tên gọi của một bộ môn hay môn học trong giảng dạy ở bậc đại học kinh tế. Vì vậy, tôi bỏ phiếu cho nó ở cấp độ một môn học và/hoặc gọi đơn giản là môn học về kinh tế hình ảnh, xếp tương đương với đẳng cấp của môn học về Marketing vậy. Dù sao, ngay cả với cấp độ này thì KTHA cũng rất cần sự trình bày đầy đủ về đối tượng, phạm vi, nội hàm, công thức và các dạng bài tập thực hành có thể và cần phải đặt ra cho môn học này.
Vậy là, với sự ngưỡng mộ nhất, tôi cho rằng tác giả đã rất có công trong việc khai thác các ý nghĩa vô cùng sinh động và những kỳ vọng rất lớn lao về vai trò của hình ảnh trong nền sản xuất hàng hoá - dịch vụ nói chung cũng như ở đỉnh cao của nó là trong nền kinh tế thị trường.
Nếu quan niệm KTHA là một bộ môn trong giảng dạy ở bậc đại học thì rất cần phải tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề cương, giáo trình được chấp thuận bởi một Hội đồng khoa học có đủ uy tín công nhận để chuyển đến cơ quan thẩm quyền cho phép triển khai vào thực tiễn cũng như được bảo vệ quyền tác giả và quảng bá rộng rãi đến các bên liên quan cùng quan tâm.
Nền giáo dục, đào tạo nói riêng và nguồn lực con người nói chung ở Việt Nam lâu nay dưới con mắt của không ít các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng: “Ở Việt Nam đang có tình trạng thừa thầy, thiếu thợ và chất lượng đào tạo đang ở mức rất đáng báo động vì sự xa rời giữa học và hành”. Chính trong bối cảnh này, những ý tưởng của tác giả và của Học viện Doanh nhân LP Việt Nam là rất đáng trân trọng.
Để góp thêm ý tưởng hình thành một môn học mới, tôi xin nhân đây gửi đến Học viện và cũng rộng bàn trên báo chí một số nội dung có tính phân tích và tổng hợp về sự phân biệt, hay nhận thức các phạm trù kinh tế một cách hết sức ngắn gọn và sơ lược như sau:
1. Về Lý thuyết: Trong khoa học, một lý thuyết là một mô hình trừu tượng diễn tả tính chất của các hiện tượng tự nhiên và/hoặc xã hội. Việc xây dựng, ứng dụng và cách hoạt động của lý thuyết khoa học cần phải tuân theo phương pháp khoa học. Một lý thuyết tốt là một lý thuyết có thể giải thích được nhiều hiện tượng, có thể tiên đoán được các hiện tượng mới và được thực nghiệm kiểm chứng.
Trong ngôn ngữ thông thường hàng ngày, người ta còn dùng từ “lý thuyết” với ý đối lập với “thực tiễn”. Ví dụ “Ông ta là người rất lý thuyết hay rất hàn lâm” là để nói về một người rất coi trọng lý thuyết, sách vở nhưng có phần xem nhẹ các kinh nghiệm, các kiến thức rút ra từ thực tiễn…
2. Về hình thái kinh tế: Theo học thuyết Marx, hình thái kinh tế là sự cố kết phù hợp giữa thượng tầng kiến trúc (pháp luật, triết học văn học nghệ thuật, tôn giáo…) với cơ sở hạ tầng (lao động, công nghệ, đường sá, chợ búa…) và loài người đã trải qua 4 hình thái kinh tế - xã hội: Cộng sản nguyên thuỷ - Chiếm hữu nô lệ - Phong kiến - TBCN và đang vươn tới hình thái KT-XH thứ 5 là CSCN.
Việt Nam là nước đi theo tư tưởng của Marx một cách đúng đắn. Việt Nam bỏ qua thời kỳ TBCN để đi lên xây dựng hình thái kinh tế XHCN, đó là bước nhảy. Giống như ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, họ cũng bỏ một thời kỳ phong kiến để nhảy vọt từ chiếm hữu nô lệ lên hình thái kinh tế TBCN. Không nhất thiết một đất nước phải trải qua đủ 5 hình thái kinh tế, họ có thể sử dụng bước nhảy để phù hợp với thời đại.
Nhưng, bước nhảy không phải dễ dàng để thực hiện được, vì mỗi thời kỳ đều phải dựa trên cơ sở vật chất, những tinh hoa của thời kỳ trước để phát triển đi lên. Khi thực hiện bước nhảy, đương nhiên sẽ bị thiếu hụt cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, chỉ những nhà lãnh đạo giỏi, có thể chèo lái con thuyền đất nước đi đúng với đường lối thì mới có thể thực hiện được bước nhảy.
Nếu những con người kế thừa lý tưởng, đường lối mà không thực hiện được do mô hình kinh tế sai lầm thì sẽ dẫn tới sụp đổ như Liên Xô và các nước Đông Âu hồi những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 do thực hiện kế hoạch hóa tập trung không phù hợp thời đại.
3. Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con người và xã hội liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực có giới hạn. Khái niệm kinh tế đề cập đến các hoạt động của con người có liên quan đến sản xuất, phân phối, trao đổi, và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên định nghĩa về kinh tế đã thay đổi theo lịch sử các hoạt động kinh tế. Nói đơn giản kinh tế có nghĩa là: “Dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có và hạn hẹp, con người và xã hội loài người tìm cách trả lời 3 câu hỏi căn bản nhất của sự sản xuất: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? và Sản xuất bao nhiêu, cho ai?”
4. Học thuyết: Là toàn thể những điều trình bày có hệ thống về một lĩnh vực khoa học, chính trị, đạo đức, tôn giáo... để căn cứ vào đó mà tìm hiểu chân lý, chỉ đạo hoạt động, được thực tiễn kiểm nghiệm. Ví dụ: Học thuyết Đác-Uyn - Sự trình bày có hệ thống về qui luật tiến hoá của sự sống…
5. Về các mô hình kinh tế: Các lý luận kinh tế học hiện đại thường được trình bày dưới các dạng mô hình. Một mô hình trong kinh tế học bao gồm hệ thống các giả thiết, cấu tạo hay công thức của mô hình, trình bày về việc vận dụng mô hình, hay vận dụng công thức và các hàm ý có thể rút ra, v.v...
Ví dụ: - Mô hình IS-LM: cũng được biết đến như là mô hình Hicks-Hansen, được nhà kinh tế học John Hicks (1904-1989) và nhà kinh tế học của Hoa Kỳ Alvin Hansen (1887-1975) đưa ra và phát triển. Mô hình IS-LM đã được sử dụng để kết hợp các hoạt động khác nhau của nền kinh tế: nó là sự kết hợp của thị trường tài chính (tiền tệ) với thị trường hàng hóa và dịch vụ.
Trong nền kinh tế đóng thì mô hình không chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài nền kinh tế: xuất khẩu ròng (NX), tỷ giá hối đoái, lãi suất thế giới. Trong tiếng Anh, IS-LM là viết tắt của Investment/Saving - Liquidity preference/Money supply (Đầu tư/Tiết kiệm - Nhu cầu thanh toán/Tiền cung cấp ưu đãi).
- Mô hình tổng cầu và tổng cung hay còn gọi là mô hình AD-AS là mô hình dùng để giải thích hai biến số: Biến số thứ nhất là tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ được đo bằng GDP thực tế; Biến số thứ hai là mức giá được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng CPI hay chỉ số điều chỉnh GDP.
Trong đó nhiều khái niệm được nêu rõ:
+ Tổng cầu là tổng giá trị mà các tác nhân kinh tế sẵn sàng và có khả năng mua tại mỗi mức giá đối với lượng hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trên lãnh thổ một nước (GDP). Trong nền kinh tế mở thì tổng cầu được biểu hiện bằng tiền cho việc chi tiêu và đầu tư của 4 nhân tố sau:
· C: Tiêu dùng của các hộ gia đình
· I: Đầu tư của doanh nghiệp
· NX: Xuất khẩu ròng (XK-NK)
Mối quan hệ giữa các nhân tố trên được biểu hiện qua phương trình:
AD = C + I + G + NX
+ Tổng cung là lượng hàng hóa và dịch vụ được cung ứng trên thị trường. Nó thể hiện mối quan hệ giữa mức giá chung và khối lượng hàng hóa được cung ứng.
- Mô hình Kinh tế học Keynes là hệ thống lý luận kinh tế vĩ mô lấy tác phẩm Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (thường được gọi tắt là Lý thuyết tổng quát) của John Maynard Keynes (1883-1948) làm trung tâm và lấy nguyên lý cầu hữu hiệu làm nền tảng.
Nguyên lý cầu hữu hiệu khẳng định rằng, lượng cung hàng hóa là do lượng cầu quyết định. Do đó, vào những thời kỳ suy thoái kinh tế, nếu tăng lượng cầu đầu tư hàng hóa công cộng (tăng chi tiêu công cộng), thì sản xuất và việc làm sẽ tăng theo, nhờ đó giúp cho nền kinh tế thoát ra khỏi thời kỳ suy thoái (năm 2009 sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia và Chính phủ đã áp dụng mô hình này…).
6. Về bộ môn marketing:
Nhu cầu và tầm quan trọng của chức năng marketing trong một tổ chức kinh doanh là đã rõ ngay từ khi nền sản xuất hàng hoá phát triển đến giai đoạn cao của nó là nền kinh tế thị trường, kể cả ở Việt Nam. Những công trình nghiên cứu và luận điểm về marketing của những nhà nghiên cứu marketing như Philip Kotler, đã được khắp thế giới nhìn nhận và lấy làm giáo trình dạy môn học marketing trong các trường Đại Học kinh tế khắp thế giới.
Tuy nhiên, trong thực tế việc ứng dụng marketing vào trong hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều nhận thức ở các cấp độ khác nhau, tuỳ theo tính chất của doanh nghiệp, năng lực của cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn.
Quan điểm của các nhà lãnh đạo, marketing có thể chia thành 4 cấp độ phổ biến nhất, gồm:
Cấp độ 1: Marketing là truyền thông, quảng cáo. Nhóm này nhận thức rằng “làm marketing” đơn giản chỉ là làm quảng cáo/quảng bá cho một sản phẩm hay dịch vụ. Tại thị trường Việt Nam của chúng ta cách đây không lâu nhiều người còn nghĩ marketing chỉ đơn giản là làm quảng cáo hay thuê mấy cô tiếp thị đi mời khách dùng thử sản phẩm. Cho nên, mỗi khi cần biết về tình hình marketing tại Việt Nam, người ta chỉ có thể hỏi những người làm dịch vụ tiếp thị, media. Đối với nhóm này, khi nói làm marketing, họ hiểu là sẽ thực hiện một quảng cáo, hay một chương trình khuyến mãi…Cấp độ 2: Marketing là 4P: Định giá - tổ chức phân phối - truyền thông - xây dựng thương hiệu. Nhóm thứ hai có hiểu biết về marketing sâu hơn nhóm 1. Nhóm này nhận thức rằng marketing là phát triển sản phẩm, định giá, tổ chức phân phối và hoạch định những chương trình truyền thông, quảng bá thương hiệu để hỗ trợ sản phẩm thâm nhập thị trường. Họ cố làm ra những sản phẩm thật tốt rồi ấn định giá bán, tổ chức kênh phân phối và quảng bá, tiếp thị để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và hình thành nên thương hiệu, uy tín về tên tuổi của sản phẩm cũng như doanh nghiệp.
Cấp độ 3: Marketing là phân khúc, chọn thị trường mục tiêu và định vị. Nhóm thứ ba có tư duy thị trường hơn, họ cho rằng để làm marketing cần phải phân tích thị trường, áp dụng phân khúc (Segmentation), sau đó chọn thị trường mục tiêu (Targeting) và định vị doanh nghiệp (Postioning) để khai thác cơ hội thị trường. Nhóm này thể hiện tư duy định hướng thị trường qua việc khai thác thông tin thị trường, nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Họ áp dụng phân khúc để chia thị trường ra thành nhiều thị trường nhỏ, và sau đó họ chọn thị trường để phục vụ rồi định vị doanh nghiệp của mình để khai thác cơ hội kinh doanh.
Cấp độ 4: Marketing là triết lý công ty. Nhóm này xem marketing như là một triết lý của công ty. Mọi người trong công ty từ cấp quản lý cho đến công nhân sản xuất đều thấm nhuần và nhận thức được vai trò của họ trong việc đạt được mục tiêu marketing của công ty. Nhóm này tin rằng marketing giúp doanh nghiệp tăng trưởng kinh tế thông qua việc giành được, duy trì và gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Họ thể hiện quan điểm marketing và xây dựng thương hiệu là trách nhiệm của tất cả mọi người, marketing là kim chỉ nam cho tất cả mọi hoạt động của công ty, bao phủ từ cơ cấu tổ chức cho đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng của công ty, với mục đích cuối cùng là chiếm được sự hài lòng khách hàng.Nội dung trình bày tổng quan về Marketing: Sự ra đời và phát triển của Marketing; Vai trò và chức năng của Marketing trong thực tiễn kinh doanh; Thành phần của Marketing hỗn hợp; Nội dung cơ bản của hoạt động Marketing và hệ thống Marketing.
Mấy dòng chấm phá để góp phần xây dựng và xác định rõ ý nghĩa, vị thế, vai trò cũng như nội dung của KTHA mà kỳ vọng sau này Học viện Doanh nhân LP Việt Nam sẽ là nơi khai sinh ra bộ môn kinh tế mới mẻ này. Với ý nghĩa đó, tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng hình thành bộ môn KTHA để đưa vào giảng dạy ở bậc Đại Học trong các trường Đại Học kinh tế ở nước ta.
TS Nguyễn Đại Lai
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam