1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mía đường hết thời: Chỗ "ế" 90%, nơi chạy ăn từng bữa!

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Khó khăn của ngành mía đường Việt Nam đã được đại diện các doanh nghiệp, người nông dân phản ánh tại hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" diễn ra sáng nay (1/12).

Doanh nghiệp than "ế" 

Theo đại diện doanh nghiệp, vụ mía 2019 - 2020 là vụ sản xuất đầu tiên của ngành đường Việt Nam trong bối cảnh thực hiện cam kết ATIGA. Ngay lập tức sau khi mở cửa hội nhập, một khối lượng đường kỷ lục với giá rẻ tràn vào Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng - cho biết: Sản lượng, thu nhập người trồng mía liên tục giảm trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân khiến sản lượng liên tục giảm là do ảnh hưởng của hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra còn có tác động lớn khác là do đường Thái Lan nhập chính ngạch với giá cực kỳ thấp.

"Chúng tôi cũng đã đầu tư chuyên sâu phát triển vùng nguyên liệu, cải tiến công nghệ chế biến để hội nhập tốt hơn. Tuy nhiên, có những vụ chúng tôi chỉ bán được 10% trong suốt vụ sản xuất, tồn kho tới 90%, chạy ăn từng bữa, càng làm càng lỗ" - ông Hiếu nói.

Đề cập đến giải pháp, ông Hiếu mong muốn các bộ ngành thực hiện quyết liệt vấn đề chống buôn lậu, hàng giả và chống gian lận thương mại. Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương điều tra và sớm áp dụng biện pháp chống bán phá, trợ cấp với sản phẩm đường từ các nước khác nhất là từ Thái Lan để tạo sân chơi cạnh tranh công bằng lành mạnh.

Bà Phạm Thị Thu Trang - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, ngành trồng mía từng làm giàu cho người nông dân, doanh nghiệp tỉnh này nhưng nay không còn nữa.

"Thực tế, hiện nay người nông dân trồng mía đang gặp rất nhiều khó khăn, muốn được ổn định như những năm trước đây rất khó. Mía trồng chủ yếu để ép lấy nước chứ không để sản xuất đường. Ngành mía đường không còn là ngành mũi nhọn" - bà Trang nói và cho rằng Nhà nước có thể tính toán gói hỗ trợ để phù hợp với tình hình hiện nay.

Do ngành mía đường quá lạc hậu?

Ông Đặng Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam - cho biết: Việc Việt Nam thực hiện cam kết loại bỏ hạn ngạch thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đối với đường trắng và đường thô là một trong những yếu tố gây áp lực cho giá đường Việt Nam.

Mía đường hết thời: Chỗ ế 90%, nơi chạy ăn từng bữa! - 1

Ông Đặng Việt Anh cho rằng, giá đường Việt Nam hiện nay đang nằm ở mức thấp nhất so với các quốc gia lân cận trong khu vực.

So sánh với giá niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế là 7.000 - 8.000 đồng/kg, giá sản xuất mía đường tại Việt Nam cao hơn. Tuy nhiên, ông Việt Anh cho rằng, không vì thế mà kết luận các doanh nghiệp mía đường Việt Nam hoạt động kém hiệu quả, ngành mía đường Việt Nam yếu kém.

Ông Việt Anh cũng chỉ ra rằng sau Hiệp định ATIGA, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn đường mỗi năm với giá 8.000 đồng/ kg, 90% trong đó có nguồn gốc từ Thái Lan. Nhưng tại chính Thái Lan, người dân đang phải mua đường với giá tương đương 18.000 - 20.000 đồng/ kg, tức cao hơn gấp đôi giá xuất khẩu. Người tiêu dùng Thái Lan phải mua đường nội địa giá cao gấp đôi hoặc hơn gấp đôi để trợ giá xuất khẩu.

Theo vị này, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ ngành đường ít nhất 1,3 tỷ USD mỗi năm. Giá đường Việt Nam hiện nay đang nằm ở mức thấp nhất so với các quốc gia lân cận trong khu vực, chỉ bằng 60% so với Trung Quốc, 70% giá đường của Philippines và 80% giá đường của Indonesia.

Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, trong tổng số 40 nhà máy mía của ngành đường Việt Nam, vụ sản xuất 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Đến niên vụ 2020-2021 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Vụ 2019 - 2020 sẽ chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, thêm 4 nhà máy đường đóng cửa gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong do không đảm bảo nguồn nguyên liệu. Nếu không có giải pháp kiểm soát dòng đường phá giá, ngành mía đường Việt Nam khó lòng tránh được tình trạng xóa sổ.

Việt Nam điều tra chống bán phá giá đường nhập từ Thái Lan

Tại hội thảo, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 01/1/2020.

Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm đạt gần 1.064.766 tấn, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 206.600 tấn).

Mía đường hết thời: Chỗ ế 90%, nơi chạy ăn từng bữa! - 2

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại.

Cũng theo ông Dũng, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam. Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Hiện nay, vụ việc đang được tiến hành điều tra.

"Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài" - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho hay.

Theo vị này, việc điều tra có thể kéo dài trong 1 năm, tuy nhiên cơ quan chức năng sẽ cố gắng hoàn thành sớm hơn thời gian này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm