Giảm thuế, bỏ hạn ngạch, mía đường Việt Nam sẽ gặp khó “sân nhà”?
(Dân trí) - Từ năm 2020, Việt Nam sẽ bỏ hạn ngạch và thuế nhập khẩu đường từ ASEAN chỉ còn từ 0% đến 5%. Để hạn chế tác động tiêu cực, khá nhiều doanh nghiệp mía đường đang kiến nghị các biện pháp tự vệ cần thiết nhằm chống lại việc đường ngoại được trợ cấp, phá giá để độc chiếm thị trường mía đường Việt Nam.
Mới đây, theo Tổng cục Hải quan cho biết, lượng mía đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã tăng mạnh kể từ khi Việt Nam cắt bỏ một phần thuế nhập khẩu đường theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) của các nước thành viên ASEAN.
Theo dự báo, đến năm 2020, lượng đường nhập khẩu sẽ còn lớn hơn khi Việt Nam chính thức xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu và thuế nhập từ các nước nói trên. Áp lực việc nhập khẩu số lượng lớn đường vào Việt Nam sẽ khiến tăng nhập siêu, trong khi đó các doanh nghiệp mía đường trong nước lại khó khăn do lượng tiêu thụ chậm, tồn kho lớn.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, cả nước đang tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, mức cao kỷ lục từ trước đến nay của ngành mía đường. Hệ lụy là 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Theo Tổ chức mía đường quốc tế (ISO), lượng đường nhập khẩu nhờ bỏ thuế và trợ cấp các từ các nước có thể là gánh nặng đối với các nước khác.
ISO từng có báo cáo nhấn mạnh, đặc điểm nổi bật nhất trong ngành mía đường thế giới là giá đường thế giới rẻ một cách bất thường do sự thao túng, trợ cấp, thậm chí phá giá đường để hỗ trợ xuất khẩu của các nước xuất khẩu đường.
Thực tế, việc kiểm soát giá đường, kiểm soát việc trợ cấp vào giá đường của Chính phủ các nước xuất khẩu đường đối với thị trường nhập khẩu luôn được các nước quan tâm nhằm tránh đường nhập lậu cạnh tranh, độc chiếm thị trường và giúp giá đường ổn định, người tiêu dùng tránh được cú sốc khi các nước thay đổi chính sách bỏ trợ cấp, khiến giá đường tăng.
Riêng với Thái Lan, Philippines, Indonesia, dù là quốc gia có ngành sản xuất mía đường phát triển trong khu vực, song để hạn chế tác động tiêu cực vào ngành mía đường nội địa, các nước này đã bảo vệ chặt chẽ đường trong nước.
Ví dụ từ khi bỏ thuế nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu đường trong cam kết ATIGA, Philippines, Indonesia luôn “khoá đầu ra” của đường nhập khẩu từ Thái Lan để hạn chế cạnh tranh tiêu cực với đường nội địa. Các chính phủ vẫn cho phép cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nhập khẩu đường nhưng hàng sẽ phải nằm chờ tại kho ngoại quan chứ không được tự do bán tại thị trường nội địa khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Cả Thái Lan, Indonesia và Philippines đều thiết lập cơ chế quản lý, phân loại đường và chỉ chấp thuận để chuyển đường nhập khẩu từ kho ngoại quan để được tiêu thụ trong nước trên nguyên tắc chỉ khi nhu cầu tiêu thụ đường trong nước bị thiếu hụt và đặc biệt chỉ trong giai đoạn trái vụ thu hoạch và sản xuất mía nhằm đảm bảo ưu tiên tiêu thụ đường nội địa trước.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, đây có thể được xem là hình thức bảo hộ “trá hình” nhằm thay thế hạn ngạch nhập khẩu và có hiệu quả như bảo hộ.
Thực tế, việc làm này của các nước nói trên phù hợp với các quy định ở trường hợp ngoại lệ của WTO. Đây cũng là ngoại lệ mà Việt Nam có thể áp dụng biện pháp tương tự để bảo vệ thị trường trong nước cũng khi việc chi phối của đường nhập khẩu đối với ngành mía đường nội địa.
An Linh