Ngành mía đường gặp khó, Việt Nam thuyết phục ASEAN trì hoãn xoá bỏ thuế quan
(Dân trí) - Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo cam kết của ATIGA, Việt Nam phải xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN từ 1/1/2018. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn của ngành đường trong nước, Việt Nam đã kiên trì thuyết phục các nước ASEAN cho phép Việt Nam trì hoãn việc xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường thêm 2 năm…
Sáng 6/9, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 51 (AEM 51) và các hội nghị liên quan đã chính thức khai mạc tại Bangkok, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo kinh tế từ 10 quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự chuỗi các hội nghị. Bên lề hội nghị này, người đứng đầu Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
Xin Bộ trưởng cho biết các nội dung của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 51, các kết quả chính dự kiến đạt được và sự tham gia của Việt Nam trong Hội nghị này?
Có thể nói đây là chuỗi các hoạt động chính trong kênh hợp tác kinh tế ASEAN, là dịp để Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các đối tác ngoại khối tiến hành trao đổi, ký kết các thoả thuận hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các đối tác ngoại khối, thống nhất nội dung các văn kiện trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới tại Thái Lan.
Tại Hội nghị này, Việt Nam sẽ ký Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA). Trừ Philipines, đến nay đã có 9 nước ASEAN ký kết Hiệp định này.
Về hợp tác ngoại khối, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN sẽ kiểm điểm lại các kết quả hợp tác mà ASEAN với các đối tác đã đạt được trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Trung Quốc, cũng như định hướng nâng cấp các FTA hiện có với các đối tác này trong thời gian tới.
Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình và tiến triển hợp tác với các đối tác khác như: Canada, Nga và Hoa Kỳ và đưa ra định hướng nhằm đẩy mạnh hợp tác,
Bộ trưởng đánhh giá như thế nào về việc Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế ASEAN và khu vực? Quá trình hội nhập ASEAN mang lại lợi ích như thế nào cho Việt Nam và Việt Nam có gặp thách thức trong việc thực thi các cam kết không?
Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995 và tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) – hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam ký kết - từ năm 1996.
Việt Nam cũng đã cùng với các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ năm 2015 với khoảng 600 triệu dân, tổng GDP gần 2800 tỷ USD, tạo nên một không gian sản xuất tương đối đồng bộ, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển trong ASEAN.
Về lợi ích, sau 24 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 9,5 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên gần 56,3 tỷ USD trong năm 2018.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu là 24,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 31,8 tỷ USD trong năm 2018.
Bên cạnh lợi ích về tăng trưởng kinh tế, việc hội nhập vào khu vực kinh tế ASEAN còn đem lại những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài…
Ngoài ra, việc thực hiện các cam kết trong ASEAN đã góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, giúp ta nâng cao năng lực thể chế và tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch, góp phần tang cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Thách thức luôn đi liền với lợi ích. Việc tự do thâm nhập thị trường các nước ASEAN cũng gắn liền với việc hàng hoá trong nước của ta phải cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu từ các nước ASEAN.
Nhìn chung, các doanh nghiệp của ta đã nắm bắt được cơ hội của quá trình hội nhâp kinh tế trong ASEAN để nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường thâm nhập thị trường ASEAN, bước đầu tham gia được vào các chuỗi giá trị trong khu vực, chẳng hạn các doanh nghiệp điện tử, sắt thép, máy móc thiết bị, dệt may, phương tiện vận tải v.v…
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cũng có ngành gặp phải khó khăn nhất định.
Theo Hiệp định Ưu đãi Thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) có hiệu lực từ năm 1996 và được kế tục bằng Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ năm 2010, Việt Nam đã xoá bỏ thuế quan với 98% số dòng thuế hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN từ ngày 01/1/2018.
Cũng theo cam kết trong Hiệp định ATIGA, lẽ ra Việt Nam phải xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN từ ngày 1/1/2018, tuy nhiên, do tình hình khó khăn của người nông dân trồng mía và ngành đường trong nước, Việt Nam đã kiên trì thuyết phục các nước ASEAN cho phép Việt Nam trì hoãn việc xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường thêm 2 năm để có thêm thời gian khắc phục khó khăn, chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hội nhập.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) ngày 23 tháng 4 năm 2019, các nước ASEAN đã thể hiện linh hoạt, chấp nhận cho Việt Nam hoãn thực thi cam kết xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN đến hết ngày 31/12/2019.
Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng nhấn mạnh đề nghị Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết kể từ ngày 1/1/2020 vì các nước đã dành linh hoạt hết mức cho Việt Nam trong khi tất cả các nước ASEAN khác đã thực hiện cam kết xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với đường, kể cả Indonesia và Philipines là 2 nước có bảo lưu tự do hoá mặt hàng đường cũng đã thực hiện tự do hóa từ năm 2015.
Các nước ASEAN cũng lưu ý nếu Việt Nam không thực hiện cam kết đúng thời hạn trên thì các nước có thể xem xét biện pháp trả đũa.
Nguyễn Mạnh