"Mê hồn trận" dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh

Chiếc điều hòa vốn đang chạy bình thường, nhưng khi có nhân viên đến bảo dưỡng thì bỗng dưng lăn ra hỏng.

Mê hồn trận dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh - 1

Ảnh minh hoạ 

Nhu cầu sử dụng điều hoà, tủ lạnh vào dịp nắng nóng luôn cao, vì thế các trung tâm kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt đồ điện tử, điện lạnh trở thành đắt giá, lên ngôi. Song, việc các trung tâm sửa chữa mọc lên như nấm đồng nghĩa với việc chất lượng “láo nháo”, chưa kể nhiều thợ sửa chữa, bảo dưỡng sử dụng mánh khoé riêng để móc tiền người tiêu dùng.

Ông N.D.T. đã nhận ra sai lầm sau khi đặt bút ký vào hợp đồng sửa chữa bảo dưỡng bộ ba thiết bị: Điều hoà, tủ lạnh, máy giặt trong vòng 2 năm với Công ty Sửa chữa điều hòa, điện tử, điện lạnh Hanel.

Ông N.D.T. cho biết, có lần tivi của ông bị hỏng, ông gọi điện thoại đến một trung tâm sửa chữa Hanel trên mạng. Khi nhân viên đến sửa tivi cho ông xong thì quảng cáo và tư vấn ông nên sử dụng các dịch vụ đang có của công ty: Sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa, tủ lạnh...

Nhân viên đó mời chào: Bác ký hợp đồng bảo dưỡng bộ ba thiết bị 2 năm thì được tặng 1 năm. Mỗi năm các thiết bị bao gồm máy giặt, điều hoà, tủ lạnh sẽ được bảo dưỡng 2 lần mà chi phí rất tiết kiệm chỉ 2,4 triệu đồng. Ngoài 2 năm phải trả tiền, công ty còn tặng thêm 1 năm hỗ trợ miễn phí. Ông T. tính nhanh thấy chi phí quá rẻ so với việc bảo dưỡng từng thiết bị riêng nên nhận lời.

“Lúc đặt bút ký, tôi chỉ nghĩ đơn giản, đây là công ty có 16 năm kinh nghiệm, cũng tên tuổi nên đồng ý sử dụng dịch vụ của họ...”, ông T. chia sẻ.

Thế nhưng, câu chuyện không đơn giản như vậy. Mùa bảo dưỡng đầu tiên vào tháng 6 năm 2019, với điều hoà thì nhân viên chỉ đến xịt rửa vỏ bên ngoài rồi gọi đó là bảo dưỡng, tủ lạnh thì nhân viên chỉ dỡ đồ ra để lau.

Ông T. hết sức thất vọng với dịch vụ bảo dưỡng tủ lạnh và điều hoà: “Đúng là mất tiền oan”.

Đau hơn là chiếc điều hòa vốn đang chạy bình thường, nhưng khi có nhân viên đến bảo dưỡng thì bỗng dưng lăn ra hỏng. Nhân viên bảo dưỡng báo: “Điều hoà của bác bị hư mạch rồi, không vào điện. Bác muốn sửa thì bọn cháu phải tháo mạch đưa về công ty xem và sẽ báo giá. Nếu như bác đồng ý với mức giá đó thì bọn cháu sửa, không thì thôi”.

Và ngày hôm sau, khi không đồng ý với mức giá mà nhân viên bảo dưỡng Hanel thông báo, ông N.D.T. yêu cầu nhân viên đến lắp lại thiết bị. Song đáng chú ý, nhân viên đã lấy đi một con chip của điều hoà. Lý giải với phóng viên về việc tại sao lại biết bị mất con chip, ông N.D.T. cho hay: “Tôi thấy nhân viên báo giá cao quá, nên gọi điện thọai cho người bạn cũ đến xem và sửa. Bạn tôi cho biết điều hoà đã bị mất một con chip...”.

Nhưng dường như mánh khoé lấy tiền của các nhân viên bảo dưỡng đồ điện lạnh không chỉ có chừng ấy. Với chiếc tủ lạnh Sanyo 2 cánh, khi không hệ thống làm mát không được tốt ông gọi nhân viên của Công ty Sửa chữa điều hoà, điện tử, điện lanh Hanel đến sửa. Nhân viên cũng báo là hư dàn nóng, hết gas. Nếu chú đồng ý sửa hết 4,2 triệu đồng, công ty bảo hành 6 tháng.

Thấy ông T. lăn tăn với mức giá 4,2 triệu đồng, bởi chỉ thêm chừng đó nữa có thể mua được chiếc tủ lạnh mới, nhân viên sửa chữa tư vấn: “Nếu chú sửa riêng với cháu, không qua công ty thì chỉ 3,6 triệu đồng thôi ạ. Bọn cháu vẫn bảo hành 6 tháng như công ty”.

Nghe mùi mẫn, ông N.D.T. đồng ý với phương án “sửa riêng”, nhưng rồi tiền mất tật mang, tủ lạnh cũng chỉ hoạt động được 3 tháng rồi ngỏm củ tỏi. Lần này vẫn trong hạn bảo hành, ông N.D.T. gọi nhân viên đã sửa tủ lạnh thì nhận được thông báo: Tủ lạnh bác lại bị hư, phải tốn thêm tiền nữa.

Vào mùa nắng nóng, có thể nói các dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa điện lạnh lên ngôi. Trên mạng, các trung tâm sửa chữa đua nhau quảng cáo với những lời đường mật: Đội ngũ nhân viên kinh nghiệm, giá cả phải chăng, bảo hành lâu dài... Việc nhiều trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng mọc lên như nấm khiến người tiêu dùng bị ngợp và không thể phân biệt nổi đâu là nơi có uy tín, đâu là nơi lừa đảo.

Chị Nguyên Thanh Tú, cũng có nhu cầu sửa chữa chiếc điều hoà Panasonic cho biết, điều hoà của tôi đang dùng thì không vào điện nữa. Gọi nhân viên của hãng đến thăm khám thì nhân viên hãng thông báo mức giá sửa hết 3,6 triệu đồng bảo hành 3 tháng. Và vẫn với chiêu “sửa riêng”, nhân viên lại mời chị Thanh Tú “nếu đồng ý sửa ngoài thì chỉ mất 600.000 đồng thôi”.

Theo khuyến cáo của chuyên gia điện lạnh, nếu khách hàng không có kỹ thuật tự bảo trì các thiết bị điện lạnh tại nhà mà phải cần đến dịch vụ thì khi tiến hành, chủ nhà cần giám sát chặt chẽ quá trình tháo lắp các thiết bị của sản phẩm để tránh tình trạng tráo đổi đồ, làm hỏng gãy thiết bị hoặc chỉ vệ sinh.

Một kỹ sư điện lạnh Bách Khoa liệt kê ra các chiêu móc tiền của trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa điện tử, điện lạnh hay sử dụng, đó là trong quá trình sửa chữa, họ có thể sẽ yêu cầu chủ nhà đi lấy cho họ một số thứ gì đó để phục vụ việc thay, sửa chữa. Nhiều nhân viên đã lợi dụng quãng thời gian này để thực hiện những tiểu xảo như hàn vội vàng, lau vội vàng.

Đặc biệt là khâu đề nghị đem về sửa để lừa chủ nhà. Cụ thể nhiều thợ đề nghị được đem máy hoặc bộ phận hỏng về công ty để kiểm tra. Ví dụ thợ sẽ báo là tấm vi mạch bị hỏng, cần mang về kiểm tra và đưa ra 2 tình huống, nếu nạp nguồn xong vi mạch còn chạy thì chỉ mất công sửa, nhưng nếu vi mạch không lên được thì phải thay thế.

Tuy nhiên, với chiêu này, nhiều thợ không chỉ moi thêm tiền của khách mà còn đổi bộ nguồn kém chất lượng hoặc lấy mất tụ cảm biến...

Theo Thuý Hằng

Đại Đoàn Kết