Mẹ "Cường đôla" kinh doanh thắng lớn ngay đầu năm: Lãi tăng 514%!
(Dân trí) - Chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, tuy nhiên công ty của bà Nguyễn Thị Như Loan đã báo lãi tăng vọt trong kỳ kinh doanh 3 tháng đầu năm, bất chấp doanh thu sụt mạnh vì Covid-19.
Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai “cháy hàng”
QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là một trong những mã cổ phiếu có sức hút mạnh nhất với giới đầu tư trong phiên giao dịch sáng nay (6/5).
Cụ thể, mã này tăng trần lên 7.810 đồng và lệnh mua giá trần dồn dập, càn quét tất cả các lệnh đặt bán. Hiện tại, mã này không hề còn dư bán trong khi vẫn đang có dư mua giá trần hơn 270 nghìn đơn vị.
Động thái mua mạnh cổ phiếu QCG diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp này công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020.
Theo đó, QCG cũng không nằm ngoài xu hướng chung của nền kinh tế, doanh thu thuần bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, sụt giảm tới 78% so với cùng kỳ xuống còn 81 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong gần 5 năm trở lại đây của doanh nghiệp này, kể từ quý 2/2015.
QCG lý giải, doanh thu giảm vì trong kỳ này công ty cắt giảm kinh doanh hàng hoá, chỉ tập trung vào thuỷ điện, cao su và bất động sản.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 24 lần lên mức 36 tỷ đồng, trong đó riêng lãi chuyển nhượng vốn góp đã đạt 33 tỷ đồng. Nhiều khả năng, đây là khoản lãi có được sau khi QCG bán vốn tại Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc, giảm tỷ lệ sở hữu từ 90% xuống còn 34%.
Chính nhờ khoản doanh thu này mà QCG đã khép lại quý đầu tiên của năm với khoản lợi nhuận thuần 31 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ quý 1/2019.
Kết quả, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của QCG đạt hơn 31 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 30 tỷ đồng, tăng 514% so với cùng kỳ.
Một thông tin khác đáng chú ý là mặc dù đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2019 song QCG vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019. Nguyên nhân là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thời gian làm việc các nhân sự liên quan cũng như quá trình thu thập dữ liệu bị ảnh hưởng do vị trí địa lý của các dự án, trụ sở và văn phòng đại diện.
VN-Index bứt tốc tăng gần 11 điểm
Phiên sáng nay, mặc dù vẫn còn những hoài nghi trong những phút đầu phiên song VN-Index đã nhanh chóng lấy được đà tăng. Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 10,99 điểm tương ứng 1,44% lên 775,15 điểm.
Tuy vậy, tình hình của HNX-Index vẫn chưa cải thiện. Chỉ số vẫn dùng dằng quanh ngưỡng tham chiếu, tạm thời nhích nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,02% lên 105,43 điểm; UPCoM-Index tương tự cũng nhích thêm 0,09 điểm tương ứng 0,17% lên 52,07 điểm.
Thanh khoản đạt 159,1 triệu cổ phiếu tương ứng 4.296,11 tỷ đồng trên HSX và 27,4 triệu cổ phiếu tương ứng 199,29 tỷ đồng trên HNX. Sàn UPCoM có 8,02 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 76,18 tỷ đồng.
Số lượng mã tăng giá trên toàn thị trường đã áp đảo hoàn toàn so với số lượng mã giảm. Thống kê có 353 mã tăng trên cả 3 sàn, 39 mã tăng trần và 229 mã giảm, 34 mã giảm sàn.
Sáng nay, nhiều cổ phiếu lớn đã bứt phá khá tốt. SAB tăng 6.300 đồng lên 158.000 đồng, VHM tăng 2.800 đồng lên 67.400 đồng, VIC tăng 1.800 đồng lên 94.500 đồng.
Theo đó, chỉ riêng 4 “ông lớn” đã đóng góp đáng kể cho mức tăng của chỉ số chung: VHM đóng góp 2,67 điểm, VIC đóng góp 1,73 điểm, SAB đóng góp 1,15 điểm và GAS góp vào 1,03 điểm.
Cùng với đó, MWG cũng tăng 1.400 đồng, PLX tăng 1.100 đồng, BHN tăng 1.000 đồng, VJC, VRE, HPG, MSN, PNJ đều tăng giá.
Nhận định về thị trường, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu khi hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, còn dòng tiền nội đã bắt đầu chững lại khi khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư trở nên khó khăn hơn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp 15-20% cổ phiếu và tiếp tục đứng ngoài thị trường; có thể xem xét thực hiện mở các vị thế trading trở lại khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ mạnh 700-730 điểm.
Mai Chi