Đánh cược vào cổ phiếu nhà “Cường đôla”, nhà đầu tư “khóc ròng” vì mắc kẹt

(Dân trí) - Cuộc đua “ném tiền” vào cổ phiếu “nóng” như QCG, AMD… đã kết thúc khi các mã này tăng trần cả chục phiên liền rồi cắm đầu giảm sàn, dư bán sàn chất đống.

Gặp khó trong đầu phiên sáng 27/3, các chỉ số đã kịp thời hồi phục và đạt trạng thái tăng giá trước khi tạm nghỉ trưa: VN-Index tăng 7,57 điểm tương ứng 1,09% lên 701,78 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm tương ứng 0,28% lên 98,09 điểm và UPCoM-Index tăng 0,13 điểm tương ứng 0,27% lên 49,14 điểm.

Thanh khoản đạt 119,37 triệu cổ phiếu tương ứng 1.850,15 tỷ đồng trên HSX và 22,07 triệu cổ phiếu tương ứng 161,4 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 5,16 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 42,48 tỷ đồng.

Đánh cược vào cổ phiếu nhà “Cường đôla”, nhà đầu tư “khóc ròng” vì mắc kẹt - 1

Đua “cổ phiếu nóng”, nhà đầu tư khóc ròng vì mắc kẹt vì mất thanh khoản

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm với 330 mã giảm giá, 52 mã giảm sàn so với 233 mã tăng và 45 mã tăng trần.

Đáng nói là VN30-Index vẫn tăng điểm nhưng mức tăng khiêm tốn 0,74 điểm tương ứng 0,11% lên 647,44 điểm. Số lượng mã giảm trong rổ VN30 áp đảo với 19 mã.

Điều này cho thấy, các chỉ số vẫn đang bị lệ thuộc vào diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. VIC, VCB, SAB tiếp tục là nhóm “đầu tàu” dẫn dắt VN-Index. Chỉ riêng VIC sáng nay đã góp vào cho chỉ số chính tới 5,3 điểm; VCB đóng góp 2,43 điểm và SAB đóng góp 1 điểm.

VIC tăng 5.500 đồng lên 87.300 đồng/cổ phiếu; VCB tăng 2.300 đồng lên 65.500 đồng và SAB tăng 5.500 đồng lên 130.500 đồng.

Một số mã khác cũng có ảnh hưởng tích cực lên thị trường là MSN, VNM, CTG, SBT, BID, HVN… Ngược lại, MWG, VJC, EIB, VPB, BVH, VRE giảm.

Nhóm cổ phiếu FLC hôm nay vẫn đang giảm. FLC không còn giảm sàn nhưng vẫn mất thêm 3,59% còn 2.950 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức đáy lịch sử của mã cổ phiếu này.

ROS nối tiếp chuỗi giảm, mất thêm 5,26% xuống đáy lịch sử 3.780 đồng. Tuy vậy, thanh khoản tại mã này khá tốt, trong sáng nay khớp lệnh trên 18,3 triệu đơn vị.

Được biết, mới đây Công ty chứng khoán HDB (HDBS) đã huỷ việc bán giải chấp chứng khoán cầm cố đối với 3 triệu cổ phiếu ROS của ông Trịnh Văn Quyết.

Tới cuối 31/12/2019, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn tại ROS với tỷ lệ sở hữu 51,3%. Đồng thời, ông Quyết cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC với tỷ lệ sở hữu 21,19%.

Theo tin từ Tập đoàn FLC, trong chiều 23/3, tiền đã được chuyển bổ sung vào tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết. Do vậy HDBS đã hủy thông báo bán giải chấp chứng khoán với cổ phiếu ROS.

AMD tiếp tục giảm sàn, mức giá hiện chỉ còn 3.160 đồng, khớp lệnh chưa tới 250 nghìn đơn vị. Cuối phiên sáng, mã này không hề có dư mua trong khi vẫn còn dư bán giá sàn tới 11,9 triệu đơn vị. Đây là phiên thứ 7 giảm sàn liên tục của AMD sau khi đạt chuỗi tăng trần 13 phiên.

HAI cũng giảm sàn còn 2.970 đồng, không có dư mua, dư bán sàn gần 8,7 triệu đơn vị, khớp lệnh chỉ đạt 328 nghìn cổ phiếu. GAB giảm 0,97% còn 132.200 đồng; KLF giảm sàn còn 1.600 đồng.

Đánh cược vào cổ phiếu nhà “Cường đôla”, nhà đầu tư “khóc ròng” vì mắc kẹt - 2

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai đạt được chuỗi tăng trần ấn tượng 15 phiên song đã quay đầu giảm sàn phiên thứ 7 (trong ảnh là bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch QCG)

Tương tự, QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng giảm sàn xuống 6.170 đồng, thanh khoản rất thấp với chỉ có 8,4 nghìn cổ phiếu khớp lệnh. Tại mã này không có dư mua nhưng dư bán sàn còn gần 2,2 nghìn đơn vị.

Tương tự AMD, QCG cũng từng là một “cổ phiếu nóng” khi đạt tăng trần 15 phiên liên tiếp trước khi quay đầu giảm sàn. Đây là phiên giảm sàn thứ 7 của mã này.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, sự hứng khởi của nhà đầu tư về gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD có tác động tích cực nhất định đến VN-Index, tuy nhiên điều này chỉ có trên một vài trụ cột để kéo chỉ số chứ sắc xanh không được lan toả tốt.

Kèm theo đó là việc thanh khoản khớp lệnh tiếp tục suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền lớn vẫn nằm ngoài thị trường.

SHS cho rằng, phiên hôm nay, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ gần nhất quanh 700 điểm và 640 điểm. Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tận dụng những nhịp hồi phục về ngưỡng kháng cự quanh 700 điểm nhằm hạ dần tỷ trọng.

Đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao và đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể canh những nhịp thị trường giảm về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 640 điểm để bắt đáy thăm dò một phần nhỏ tỷ trọng danh mục.

Mai Chi