1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mất 35% tiền đầu tư vì "kẹp hàng" cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai

Mai Chi

(Dân trí) - Kể từ biến cố xảy ra với Quốc Cường Gia Lai hôm thứ 6 tuần trước, QCG bị "nhốt sàn" liên tục.

Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần (26/7) hồi phục với phần lớn cổ phiếu đạt trạng thái tăng giá trở lại, tuy vậy, cổ phiếu QCG vẫn bị "nhốt sàn". Thị giá QCG còn 6.380 đồng/đơn vị, ghi nhận mức thiệt hại hơn 35% kể từ phiên 19/7 (ngày bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt).

Trong phiên 19/7, cổ phiếu QCG được khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị, tuy nhiên, kể từ phiên 22/7 đến nay, giao dịch tại QCG rất khiêm tốn, có những phiên như phiên 22/7, 24/7, 25/7 chỉ khớp lệnh quanh mức 50.000-60.000 cổ phiếu, không thấm là bao so với dư bán sàn khổng lồ, gần như mất thanh khoản.

Mất 35% tiền đầu tư vì kẹp hàng cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai - 1

Diễn biến giá cổ phiếu QCG trong gần một năm qua (Nguồn: Investing).

Riêng hôm nay, QCG khớp lệnh đạt 124.300 cổ phiếu, nhưng dư bán giá sàn vẫn duy trì trên 6 triệu cổ phiếu. Với những nhà đầu tư mua vào QCG ở phiên 19/7 và những phiên sau đó không những không "giải cứu" được cổ phiếu này mà đang gánh thua lỗ nặng nề.

Hôm 25/7, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cho biết, qua công tác giám sát giao dịch cổ phiếu QCG nhận thấy, giá QCG đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp và yêu cầu công ty trong vòng 24h kể từ khi giá cổ phiếu giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Đến hết phiên hôm nay, Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa có báo cáo về vấn đề này gửi cơ quan quản lý.

Tương tự, cổ đông nắm giữ cổ phiếu LDG cũng như đang ngồi trên đống lửa do mã này cũng bị "khóa sàn" với thị giá chỉ còn 2.250 đồng. Khớp lệnh tại LDG đạt 611.100 cổ phiếu trong khi dư bán giá sàn chồng chất đến 23,76 triệu đơn vị.

Cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa. Ngoài 2 mã trên, một số mã khác vẫn điều chỉnh như DRH giảm 3,5%; NBB giảm 3,4%; NVL giảm 2,2%; VRE giảm 2%; DXG, DXS cùng giảm 1,4%. Ngược lại, VRC tăng 5,7%; BCM tăng 4,9%; TDC tăng 1,8%; AGG tăng 1,5%; HDG tăng 1,1%.

Mặc dù LPB giảm 3,3% nhưng phần lớn cổ phiếu ngân hàng đạt trạng thái tăng giá, với sự góp mặt của các cổ phiếu rổ VN30 như CTG, MBB, STB, VIB, SHB, BID, VPB, TPB….

Toàn thị trường có 598 mã tăng, 45 mã tăng trần so với 313 mã giảm, 37 mã giảm sàn. Trong đó, sự hồi phục của các mã VN30 đã mang lại động lực và sự lan tỏa cho các chỉ số. MSN đóng góp cho VN-Index 1,06 điểm, các mã khác như BCM, FPT, CTG, HVN, PLX, MBB, BID và POW cũng góp phần giúp VN-Index tăng 8,92 điểm tương ứng 0,72% lên 1.242,11 điểm.

HNX-Index tăng 1,4 điểm tương ứng 0,6% và UPCoM-Index tăng 0,67 điểm tương ứng 0,71%. Thanh khoản duy trì thấp với 458,79 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 11.853,7 tỷ đồng trên HoSE và 32,77 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 658,02 tỷ đồng trên HNX. UPCoM có 41,09 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 449,38 tỷ đồng.

Phiên này, khối ngoại mua ròng gần 336 tỷ đồng trên 3 sàn, trong đó mua ròng 379 tỷ đồng trên HoSE nhưng bán ròng 35 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 22 tỷ đồng trên UPCoM.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm