Masan sụt giảm lợi nhuận quý III, kết quả của WinMart+, WinMart thế nào?
(Dân trí) - Cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý III năm nay của Masan đều sụt giảm so với cùng kỳ 2021, có nguyên nhân từ việc mức nền của năm trước cao. Từng mảng kinh doanh của doanh nghiệp này ra sao?
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần hơn 19.500 tỷ đồng, sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Masan đạt 841 tỷ đồng, thấp hơn gần 50% so với quý III/2021.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Masan nhấn mạnh quý III năm trước là thời điểm nhu cầu với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu tăng đột biến trong giai đoạn người dân thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, kết quả kinh doanh của quý III/2021 rất cao dẫn đến mức tăng trưởng âm của năm nay. Ngoài ra, từ cuối năm 2021, Masan cũng đã bán lại mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho đối tác nước ngoài.
Đi vào cụ thể từng mảng kinh doanh, doanh thu của WinCommerce trong quý III đạt hơn 7.600 tỷ đồng. Trong đó, doanh số của chuỗi cửa hàng tiện lợi WinMart+ và siêu thị WinMart lần lượt đạt hơn 5.200 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng. Nếu so với quý gần nhất, doanh thu của cả hai mô hình bán lẻ do Masan vận hành đều tăng trưởng, còn nếu so với cùng kỳ năm 2021 thì có sụt giảm.
Sự tăng trưởng này xuất phát từ hai nguyên nhân. Đầu tiên, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang mở rộng nhanh chóng trong 3 tháng qua khi đưa vào hoạt động gần 180 siêu thị mới. Đến hết tháng 9, Masan đã có 3.049 điểm bán WinMart+ và 128 siêu thị WinMart. Số cửa hàng bán lẻ của WinCommerce hiện tại đã chính thức vượt thời điểm Masan tiếp quản hệ thống từ Vingroup.
Vào cuối năm 2019, khi đổi chủ, VinCommerce (tên cũ) thời điểm đó có 2.888 cửa hàng VinMart+ và 134 siêu thị VinMart. Ngay trong năm đầu tiên tiếp quản VinCommerce, tập đoàn của tỷ phú Quang đã mạnh tay đóng gần 700 cửa hàng kém hiệu quả và chỉ bắt đầu mở rộng hệ thống trở lại từ cuối năm 2021 sau khi cải thiện nhiều chỉ số tài chính. Phía Masan ước tính với kết quả này, tập đoàn đang chiếm khoảng 50% tổng số cửa hàng bán lẻ hiện đại trên toàn quốc.
Thứ hai, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng của WinCommerce cũng đã tăng trở lại. Trong quý vừa qua, bình quân mỗi cửa hàng WinMart+ đạt doanh số 570 triệu đồng/tháng còn siêu thị WinMart là 6,1 tỷ đồng/tháng.
Biên lợi nhuận gộp của WinCommerce tiếp tục được cải thiện lên 23,4%. Nhưng quan trọng hơn, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của chuỗi bán lẻ thuộc Masan đã tăng trở lại, đạt mức 3,3%. Nếu loại trừ nửa cuối năm 2021 là thời điểm doanh thu tăng vọt do yếu tố giãn cách xã hội, kênh chợ truyền thống bị thu hẹp hoạt động, 3,3% cũng là biên EBITDA tốt nhất WinCommerce từng đạt được.
Đối với các mảng kinh doanh còn lại như hàng tiêu dùng (Masan Consumer Holdings), thịt (Masan MeatLife), vật liệu công nghiệp (Masan High-Tech Materials), doanh thu quý III đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Masan đạt doanh thu thuần hợp nhất hơn 55.500 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng của tập đoàn này vẫn tăng trưởng hơn 30%, đạt gần 4.000 tỷ đồng.