Masan Group: Lãi hơn 1.000 tỷ đồng 9 tháng, mỏ Núi Pháo thoát lỗ
(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận thuần của Masan Group bị ảnh hưởng bởi chi phí lãi vay và khấu hao khi mỏ Núi Pháo bắt đầu hoạt động, tuy nhiên hiện nay đã bắt đầu cải thiện sau khi dự án Núi Pháo vượt mức hòa vốn.
Mỏ Núi Pháo đã bắt đầu tạo lãi cho Masan Group
Lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế (EBITDA) từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn đạt 2.476 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 72,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận thuần của Masan Group bị ảnh hưởng bởi chi phí lãi vay và khấu hao khi mỏ Núi Pháo bắt đầu hoạt động, tuy nhiên hiện nay đã bắt đầu cải thiện sau khi dự án Núi Pháo vượt mức hòa vốn. Lợi nhuận thuần của Masan Group trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 1.015 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tính riêng trong quý 3 đạt 457 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Masan Consumer đạt lợi nhuận thuần kỷ lục
Mảng kinh doanh hàng tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu, EBITDA và lợi nhuận thuần lần lượt đạt 8.856 tỷ đồng, 1.822 tỷ đồng, 2.249 tỷ đồng, tương ứng với các mức tăng trưởng 18,0%, 13,1% và 13,8% so với cùng kỳ năm 2013. Doanh thu từ ngành hàng đồ uống cũng đạt mức tăng trưởng mạnh với sự tăng trưởng doanh thu của Vinacafe đạt 34%.
Masan Group cho biết, việc tập trung vào cải thiện năng suất và kiểm soát chi phí, kết hợp với lợi thế kinh tế nhờ quy mô đạt được từ thị phần cao hơn đã góp phần gia tăng tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng hàng tiêu dùng thêm 342 điểm cơ bản lên 43,6% trong 9 tháng đầu năm 2014.
Bên cạnh các dòng sản phẩm đang phát triển, Masan Foods, một công ty con thuộc sở hữu 100% của Masan Consumer, đã công bố sẽ chào mua công khai lên đến 49% cổ phần của Cholimex Foods, một công ty nước chấm và gia vị nổi tiếng tại Việt Nam nhằm tăng cường phân khúc cấp thấp.
Mỏ Núi Pháo đã hòa vốn
Theo Masan Group, dự án Núi Pháo đạt được cột mốc quan trọng bằng việc đóng góp dương vào lợi nhuận thuần trong quý 3/2014 và viêc mở rộng trữ lượng và thời hạn khai thác mỏ. Theo đó, mảng kinh doanh tài nguyên ghi nhận doanh thu 1.953 tỷ đồng và EBITDA đạt 769 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014 (đây là số liệu từ tháng 3 - 9 năm 2014, vì dự án chỉ bắt đầu đóng góp vào kết quả tài chính của Tập đoàn từ ngày 1/3/2014, sau khi nhà máy đi vào hoạt động).
Mảng kinh doanh tài nguyên cũng đã vượt qua điểm hòa vốn trong quý 3/2014, với lợi nhuận thuần đạt 25 tỷ đồng.
Tất cả bốn sản phẩm - vonfram, florit, bismut và đồng - đã được bán cho các khách hàng tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Các thông số nhà máy cũng được cải thiện với sản lượng nhà máy đạt 90% công suất thiết kế, tỷ lệ thu hồi được cải thiện ở tất cả các sản phẩm.
Bên cạnh đó, vòng đời khai thác mỏ đã được mở rộng thêm 3 năm nữa lên gần 20 năm, do trữ lượng mỏ đã tăng lên 66 triệu tấn. Hoạt động nghiên cứu bao gồm chương trình khoan mỏ, phân tích chi tiết cùng các chuyên gia độc lập giám định lại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Techcombank hoàn thành 98,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm
Một đơn vị thành viên khác của Masan Group là Techcombank báo cáo lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 1.163 tỷ đồng, hoàn thành 98,5% kế hoạch năm 2014. Lợi nhuận tăng 55% so với cùng kỳ năm 2013 với mức trích dự phòng là 1.568 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014.
Thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập thuần từ phí dịch vụ đạt 891 tỷ đồng, tăng đáng kể 72% so với 9 tháng đầu năm 2013. Những thông số khác, như tỉ lệ dự phòng và tỉ lệ chi phí trên thu nhập cũng được cải thiện.
Techcombank tiếp tục chính sách cho vay thận trọng và duy trì tỷ lệ cho vay/tiền gửi ở mức 58,7%; tỷ lệ an toàn vốn tính đến ngày 30/09/2014 là 14,9%, cao hơn so với mức 9,0% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam