Manulife báo lãi "khủng"
(Dân trí) - Manulife Việt Nam lãi trước thuế hơn 3.251 tỷ đồng năm 2022 trong khi năm 2021 liền trước, công ty này lỗ 5.927 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 được Công ty TNHH Manulife Việt Nam công bố, doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp đạt 26.835 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc là 26.803 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2021.
Chiếm phần lớn trong doanh thu phí bảo hiểm gốc là doanh thu phí bảo hiểm liên kết, lên đến 17.566 tỷ đồng, tương ứng 65,5%; doanh thu phí bảo hiểm hỗn hợp là 6.082 tỷ đồng, tức 22%, còn lại là doanh thu sản phẩm phụ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe.
Doanh thu tăng song tiền chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm lại giảm mạnh, từ 24.309 tỷ đồng xuống còn 15.378 tỷ đồng, tức 36,7%. Chi phí hoa hồng bảo hiểm cũng giảm 5%, xuống còn 3.191 tỷ đồng.
Tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm của Manulife Việt Nam cũng giảm mạnh 33% xuống còn 18.500 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, chi phí kinh doanh bảo hiểm gồm các cấu phần chính là chi phí hoa hồng, tăng dự phòng kỹ thuật và chi phí bồi thường, thanh toán bảo hiểm và chi phí chung khác…
Tổng chi phí giảm trong khi doanh thu tăng, đồng nghĩa với tỷ lệ chi phí doanh nghiệp bỏ ra ngày càng thấp.
Manulife Việt Nam lãi gộp hơn 7.742 tỷ đồng từ mảng kinh doanh bảo hiểm, trong khi năm 2021 lỗ 3.649 tỷ đồng.
Năm vừa rồi, khoản lãi từ đầu tư trái phiếu tăng 14% lên 2.686,5 tỷ đồng, song lãi từ mua bán cổ phiếu giảm 65%, xuống còn 480 tỷ đồng. Tính chung, doanh thu hoạt động tài chính vẫn giảm nhẹ 5% xuống 4.820 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng mạnh do phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán và lỗ mua bán cổ phiếu, lợi nhuận từ hoạt động này giảm 42% xuống còn 2.454 tỷ đồng.
Dù vậy, chỉ tiêu chi phí tài chính, chi phí doanh nghiệp không tăng thêm trong khi doanh thu vẫn đạt mức "khủng", Manulife Việt Nam lãi trước thuế hơn 3.521 tỷ đồng, trái ngược lại với khoản lỗ 5.927 tỷ đồng của năm 2021.
Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Manulife Việt Nam đạt gần 106.379 tỷ đồng, tăng 14,4% so với hồi đầu năm. Với con số trên, quy mô tài sản của Manulife Việt Nam tương đương một ngân hàng tầm trung trong nước như VietBank (111.936 tỷ đồng), VietABank (105.204 tỷ đồng), NCB (89.847 tỷ đồng)...
Trong cơ cấu tài sản, riêng tiền gửi ngân hàng đạt 13.761 tỷ đồng, chiếm gần 13% tổng tài sản. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng tăng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu.
Vốn điều lệ của công ty giữ nguyên ở mức 22.220 tỷ đồng. Khoản lãi kỷ lục năm nay góp phần làm lỗ lũy kế giảm từ 7.960 tỷ đồng xuống 5.526 tỷ đồng, giúp vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này hiện ở mức 16.947 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm trước.
Lãi lớn sau 2 năm thua lỗ, song năm vừa rồi doanh nghiệp cũng nhận về không ít tai tiếng xoay quanh câu chuyện người dân đi gửi tiết kiệm tại SCB bị "hô biến" thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết năm vừa rồi nhận được đơn thư của công dân có nội dung liên quan đến việc mua sản phẩm bảo hiểm của Manulife thông qua SCB.
Từ tháng 10/2022 đến nay, Cục đã nhiều lần làm việc trực tiếp cũng như có các công văn yêu cầu Công ty TNHH Manulife khẩn trương, tăng cường các nguồn lực để xem xét, giải quyết các trường hợp khiếu nại của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.