1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mánh khóe thao túng các ngân hàng của "bầu" Kiên

Phát hành trái phiếu cho các ngân hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu nắm giữ tại các ngân hàng, rồi dùng chính số tiền đó đi đầu tư vào các công ty và mua cổ phiếu của chính các ngân hàng đó là cách Nguyễn Đức Kiên tạo ảnh hưởng lên các tổ chức tín dụng.

Kịch bản thao túng ngân hàng của Nguyễn Đức Kiên đã lộ rõ.
Kịch bản thao túng ngân hàng của Nguyễn Đức Kiên đã lộ rõ.

Được nhắc tới như là nguy cơ gây rủi ro, bất ổn đối với hệ thống tài chính ngân hàng nhưng "thao túng ngân hàng" mới gần như chỉ là khái niệm được phác hoạ trên lý thuyết và chỉ khi các sai phạm của Nguyễn Đức Kiên được làm rõ, "thao túng ngân hàng" mới được nhận diện.

Khoảng 2 năm trở lại đây, câu chuyện sở hữu chéo và đặc biệt là hành vi thao túng ngân hàng, lũng đoạn thị trường được nhắc tới khá nhiều. Thậm chí, theo cách nói của giới chuyên gia thì hiện tượng này chính là “quả bom” nổ chậm đe doạ sự ổn định tài chính của mọi nền kinh tế. Và nếu hiện tượng này không được dẹp bỏ, dòng tiền trong xã hội sẽ chỉ là dòng tiền ảo, được thổi phồng lên bởi các nhóm lợi ích thông qua việc mua đi – bán lại cổ phiếu của các ngân hàng.

Cũng trong 2 năm qua, mối lo ngại xoay quanh các hợp đồng uỷ thác đầu tư cho các công ty đầu tư tài chính (thực chất nhiều công ty do chính ông chủ hoặc các cổ đông của ngân hàng lập lên và rót vốn đầu tư vào) đã được nhắc tới như là thứ vũ khi đi thâu tóm các tổ chức tín dụng khác. Có một nghi vấn cũng đã từng được nhiều người nhắc tới là việc ngân hàng bơm tiền cho công ty tài chính để công ty tài chính mua cổ phiếu của chính ngân hàng đó...

Hay như chuyện ngân hàng bơm tiền cho một công ty nào đó và rồi công ty này đi mua cổ phiếu của ngân hàng khác và rồi dùng số cổ phiếu đó đi thế chấp ở một ngân hàng khác nữa lấy tiền. Số tiền này tiếp tục được công ty này mang đi mua bán cổ phiếu... và như vậy, từ 100 đồng tiền ban đầu, sau quá trình chạy lòng vòng qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng thông qua các hợp đồng mua bán cổ phiếu đã được nhân bản lên thành 200, 300... đồng. Dòng tiền ảo là như thế!

Trở lại thời điểm Nguyễn Đức Kiên bị bắt (ngày 21/8/2012), với những thông tin ban đầu được Cơ quan Cảnh sát điều tra đưa ra, hiện tượng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng đã được phát giác. Và thực tế, sau gần 1 năm tiến hành điều tra, với những thông tin trong kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra thì hành vi thao túng ngân hàng của Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là khá rõ ràng.

Sau khi rời ghế Phó Chủ tịch Ngân hàng Á Châu (ACB), để tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng của mình và cũng là để thuận tiện trong việc huy động vốn từ ACB, Nguyễn Đức Kiên đã đứng ra đề xuất thành lập lên Hội đồng sáng lập ACB và Kiên làm Phó Chủ tịch. Và với 5 công ty mà Kiên là người đại diện pháp luật, Nguyễn Đức Kiên đã “đạo diễn” một loạt thương vụ mua bán cổ phiếu của các ngân hàng. Cụ thể:

Ngày 30/11/2010, Kiên đã chỉ đạo Đặng Ngọc Lan - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư B&B (gọi tắt là B&B) ký hợp đồng bán 10 triệu trái phiếu trị giá 1.000 tỉ đồng cho ACB với kỳ hạn 10 năm và tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là 916.350 cổ phiếu ngân hàng Vietbank, trị giá 916,350 tỉ đồng do Kiên và người thân nắm giữ.

Đáng chú ý, số cổ phiếu mà B&B dùng làm tài sản đảm bảo trong hợp đồng trên có được là do B&B đã uỷ thác cho Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên), Đào Văn Kiên (em rể Kiên) và Nguyễn Tuấn Anh mua cổ phiếu của Vietbank nhưng tổng giá trị chỉ là 324,6 tỉ đồng.
 
Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính Á Châu (gọi tắt là AFG), Kiên đã chỉ AFG dùng 3.200 tỉ đồng vốn điều lệ của công ty nhờ 15 cá nhân đứng tên mua Trái phiếu chuyển đổi của ACB.

Với Công ty cổ phần Đầu tư ACB (gọi tắt là ACBI), Kiên đã chỉ đạo ACBI phát hành 8 triệu trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng cho ACB với tài sản đảm bảo là 16 triệu cổ phiếu của Teckcombank và sau nhiều lần thay đổi, hiện tài sản đảm bảo cho hợp đồng này đã bao gồm cả là 22 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hoà Phát và một số tài sản đảm bảo khác. Hợp đồng được thực hiện ngày 25/3/2008.

Sau đó, Kiên đã chỉ đạo ACBI dùng 800 tỉ đồng trên cùng với 300 tỉ vốn điều lệ và hơn 400 tỉ đồng huy động được (trong đó 100 tỉ ACBI đã cho Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu vay) góp vốn và mua cổ phần của một loạt công ty, trong đó có mua cổ phiếu của Techcombank với giá trị gần 700 tỉ đồng. Khoản tiền 100 tỉ mà ACBI cho Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI) vay được dùng để mua cổ phần của ngân hàng Eximbank.

Cũng tại ACI, với cách làm tương tự, ACI đã phát hành 5 triệu trái phiếu với tổng trị giá là 500 tỉ đồng và bán cho Sở Giao dịch Ngân hàng phát triển nhà Đồng Bằng sông Cửu Long (MHB). Số tiền này sau đó được ACI chuyển cho một loạt công ty, trong đó có Công ty Thiên Nam (nơi mà Nguyễn Đức Kiên thực hiện các giao dịch mua bán vàng dù công ty này không được phép kinh doanh).

Với Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (gọi tắt là ACI-HN), dưới sự chỉ đạo của Kiên, ACI – HN đã dùng 8,75 tỉ đồng uỷ thác cho ACB mua 17.500 cổ phiếu của Vietbank và uỷ thác cho một số cá nhân, trong đó có các ông Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang mua hộ Kiên 19,8 triệu cổ phiếu của Ngân hàng KienLongBank. Đồng thời, ACI-HN cũng uỷ thác cho một số cá nhân mua 12,962 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Á.

Tiếp đó, trong giai đoạn từ tháng 6/2010 đến tháng 8/2012, ACI-HN tiếp tục dùng số tiền huy động được để mua 19,8 triệu cổ phiếu của KienLongBank. Và để có tiền tiếp tục thực hiện các giao dịch mua bán cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, ACI-HN đã phát hành trái phiếu và bán cho Vietbank để lấy 350 tỉ đồng. Số tiền này một phần đã được ACI-HN trả tiền mua 11,907 triệu cổ phiếu ngân hàng ACB.

Đến tháng 11/2010, ACI-HN tiếp tục phát hành 650 tỉ trái phiếu cho ACB và tài sản đảm bảo là lượng cổ phiếu mà ACI-HN nắm tại KienLongBank, DaiAbank, Eximbank, VietBank và của một số công ty khác. Số tiền này sau đó lại được ACI-HN uỷ thác cho chính ngân hàng ACB mua cổ phiếu của VietBank và uỷ thác cho một số cá nhân mua hộ cổ phiếu của chính những ngân hàng này.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng xác định: Trước sức ép của cổ đông, Nguyễn Đức Kiên và Thường trực Hội đồng Quản trị ACB đã họp đi đến chủ trương sẽ cấp tiền cho ACBS (công ty chứng khoán 100% vốn của ACB) và giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo việc đầu tư vào cổ phiếu của ACB.

Để thực hiện được điều này, ACB đã chuyển tiền cho KienLongBank vay qua liên ngân hàng để sau đó, ngân hàng này chuyển tiền cho ACBS dưới hình thực mua trái phiếu do ACBS phát hành. Nhưng vì biết ACBS không được mua cổ phiếu của ACB. Nhưng ACBS lại không được mua cổ phiếu của ACB nên đã chuyển tiền cho ACI và ACI-HN là để thực hiện dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư.

Theo Nhóm phóng viên PetroTimes

Dòng sự kiện: "Bầu" Kiên bị bắt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm