1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hoà Phát và vố đau trăm tỷ mang tên Bầu Kiên

(Dân trí) - Bên cạnh ACB, Hoà Phát cũng phải hứng chịu “quả đắng” khi ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần công ty CTCP Thép Hoà Phát từ cổ đông CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), trong khi số cổ phần này đã thế chấp tại ACB.

Cổ đông HPG quan tâm nhiều hơn đến khả năng đòi lại khoản tiền bị bầu Kiên chiếm đoạt của Hoà Phát.
Cổ đông HPG quan tâm nhiều hơn đến khả năng đòi lại khoản tiền bị bầu Kiên chiếm đoạt của Hoà Phát.

Trong tuần này, cái tên bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) một lần nữa lại gây chú ý cho giới tài chính khi Bộ Công an đã chính thức kết thúc điều tra, chuyển sang Việt kiểm sát truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM.

Xác định giao dịch lừa đảo

Bên cạnh ACB, Hoà Phát cũng phải hứng chịu “quả đắng” khi ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần công ty con CTCP Thép Hoà Phát từ CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) do bầu Kiên dựng nên (ACBI là một cổ đông của CTCP Thép Hoà Phát), trong khi số cổ phần này lại nằm trong số 22,497 triệu cổ phần ACBI đã thế chấp tại ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng tại ngân hàng ACB.

Trị giá khối tài sản mà Hoà Phát bị lừa đảo, chiếm đoạt được xác định 246 tỷ đồng, khoản tiền này đã được Hoà Phát thanh toán nhưng cổ phần vẫn nằm trong tay ngân hàng ACB. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2013 (ban hành trước thời điểm công bố kết luận điều tra), Hoà Phát vẫn đang ghi nhận 264 tỷ đồng này vào hạng mục các khoản phải thu khác.

Báo cáo tài chính của Hoà Phát cho biết, đây là giá trị nhận chuyển nhượng cổ phần của một công ty con của Tập đoàn (CTCP Thép Hoà Phát - PV) từ một cổ đông của công ty con này (ACBI - PV). Hoà Phát thừa nhận, cổ đông này chưa thực hiện được việc chuyển giao quyền sở hữu số cổ phần này cho Tập đoàn và cổ đông này hiện đang liên quan tới một cuộc điều tra pháp luật.

Hoà Phát khẳng định, “Việc chuyển nhượng cổ phần này được xác định là chưa hoàn thành”. Do vậy, Ban lãnh đạo Hoà Phát vẫn coi khoản tiền đã trả cho cổ đông này là một khoản phải thu và tạm thời trích lập một khoản lập dự phòng phải thu khó đòi trị giá 164 tỷ đồng. “Khả năng thu hồi khoản phải thu này và thời gian mà giao dịch chuyển nhượng cổ phần này có thể được coi là hoàn thành phụ thuộc vào kết quả cuộc điều tra nêu trên và phụ thuộc vào kết quả thương lượng của các bên liên quan”.

Như vậy, với kết luận của cơ quan điều tra về vụ việc đã xác định Hoà Phát bị bầu Kiên lừa đảo 264 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ phần của CTCP Thép Hoà Phát được đại diện ACB cho biết vẫn đang trong tài khoản ngân hàng. Còn trong Báo quản trị bán niên của HPG mặc dù có Nghị quyết đã được ban hành vào đầu tháng 4 cho thấy, Tập đoàn đã thông qua việc tăng vốn góp tại CTCP Thép Hoà Phát và cử người đại diện phần vốn tăng thêm tại công ty con này, tuy nhiên, so với mức sở hữu 95% ghi nhận tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2012 thì đến cuối tháng 6 năm nay, tỉ lệ này đã thấp hơn, chỉ được HPG ghi nhận 88%.

Diễn biến giá cổ phiếu HPG

Trên thị trường chứng khoán, sau khi thông tin kết thúc điều tra vụ án liên quan đến bầu Kiên được đăng tải trên truyền thông ngày 7/8, cổ phiếu HPG của tập đoàn này đã có hai phiên giảm liên tiếp vào ngày 8/8 và ngày 9/8 với mức giảm 100 đồng/cp mỗi phiên.

Tuy nhiên, mức giảm này không đáng kể so với mức tăng đạt được trước đó. Chốt phiên 7/8, HPG tăng 900 đồng. Và như vậy, sau 3 ngày công bố thông tin trên, xác định Hoà Phát bị bầu Kiên lừa đảo 246 tỷ đồng, cổ phiếu HPG vẫn có được mức tăng gần 2,3% (tăng 700 đồng).

Diễn biến cổ phiếu HPG trong 1 tháng (nguồn: HSX).
Diễn biến cổ phiếu HPG trong 1 tháng (nguồn: HSX).

Tính từ đầu tháng 8 tới nay, cổ phiếu HPG có diễn biến về giá nhìn chung thuận lợi, mức tăng đạt 3,3%. So với mức đóng cửa một tháng trước ngày 11/7, giá tăng 14,2%. Nguyên nhân chủ yếu do kết quả kinh doanh quý II và không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các thông tin ngoài lề bất lợi khác như việc tăng giá điện (có tác động trực tiếp đến ngành thép) hay triển vọng ngành bất động sản vẫn chưa sáng sủa.

Theo đó, kết thúc quý II, Hoà Phát đạt lợi nhuận sau thuế 532 tỷ đồng, gấp 1,55 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, việc lãi suất vay giảm từ 13% trong quý II/2012 còn khoảng 7% trong quý II/2013 đã hỗ trợ giảm chi phí tài chính.

Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát đạt 1.012,66 tỷ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2012. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 6 tháng 2.311 đồng/cp, tăng 45,5%.

Bích Diệp