Măng chua ngâm tẩy, dầu cọ chứa chất nhuộm gây ung thư
Măng dùng thuốc tẩy để làm trắng, tràn lan nước rửa bát giá rẻ, thu hồi “Dầu cọ Ghanaian” có chứa chất nhuộm màu gây ung thư.
Măng chua ngâm tẩy bằng hóa chất
Tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện một số lượng lớn măng được ngâm trong các thau chậu cỡ lớn.
Măng được tẩy rửa bằng chất bột trắng cho trắng, sau đó tiếp tục ngâm rửa và cho chất bột màu vàng vào để tạo màu vàng đẹp cho măng.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Dương Thị Lập cho rằng chỉ mới áp dụng cách làm này trong một thời gian ngắn thì bị phát hiện.
Cơ quan chức năng xác định đây là cơ sở tẩy rửa măng thuộc dạng lớn nhất của tỉnh Bình Thuận. Sau khi thành phẩm, sản phẩm của cơ sở này được phân phối ra nhiều khu chợ trong tỉnh để tiêu thụ.
Vì thế, nên đã lập biên bản thu giữ tang vật vi phạm gồm các hóa chất, măng đã được tẩy rửa bằng hóa chất đồng thời cho giám định công thức hóa học của loại hóa chất trên để xử lý theo quy định.
Đồng Nai: Tràn lan nước rửa bát giá rẻ, không rõ nguồn gốc
Trong khi đó, ngày 12/5, người dân Đồng Nai cũng đang vô cùng lo ngại khi trên thị trường xuất hiện nhiều loại nước rửa bát tự chế với giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng 1/5 so với những loại nước rửa bát thông thường.
Nước rửa bát rẻ tiền có mặt tại khắp mọi nơi từ quán cơm, quán phở đến những tiệm cà phê, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Tại các chợ như chợ Tam Hiệp, Tân Biên, Tân Mai đều dễ dàng bắt gặp nhiều quán tạp hóa bán các loại nước rửa chén giá rẻ, không nguồn gốc xuất xứ và không có nhãn mác.
Đa số, các chai nước rửa chén loại này đều được đựng trong vỏ chai dầu ăn cũ kỹ. Một số ít chai có nhãn mác thì lại không có ngày sử dụng hoặc tem dán qua loa, đơn giản bên ngoài.
Theo một chuyên viên y tế, việc sử dụng nước rửa chén giá rẻ do các cơ sở nhỏ, lẻ tự sản xuất là nguy cơ truyền bệnh cho mọi người. Không ít người tiêu dùng đã bị bỏng da tay, da khô gây dị ứng, thậm chí còn bị ngộ độc mãn tính và nhiều bệnh về đường tiêu hóa khác.
Do đó, người dân nên chọn loại nước rửa bát có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định, có hạn sử dụng và chứng nhận an toàn sử dụng của các cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
“Dầu cọ Ghanaian” chứa chất nhuộm màu gây ung thư
Cách đó không lâu, ngày 11/5, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết cơ quan này vừa được báo cáo thông tin về việc báo cáo sản phẩm “Dầu cọ Ghanaian” của Công ty Kemtoy Miyan Cash & Carry bị thu hồi do có chứa chất nhuộm màu Sudan IV theo cảnh báo ngày 24/4/2015 của Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục đã tiến hành rà soát từ ngày 01/12/2008 đến nay, Cục không cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm nói trên.
Cục sẽ tiếp tục giữ liên lạc với cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Anh và thông tin kịp thời đến người tiêu dùng.
Chất nhuộm sudan sử dụng trong công nghiệp để nhuộm màu đỏ cho plastic và các chất tổng hợp khác. Chất này bị xếp vào nhóm chất nhuộm màu gây độc vì có khả năng gây ung thư do làm tổn thương ADN của tế bào. Sudan có 4 loại đã được tìm thấy, mang ký hiệu từ sudan 1 đến sudan 4 (đỏ tươi).
Tuồn 100.000 lít mỡ bẩn vào bếp ăn công nghiệp
Không dừng lại ở việc phát hiện thực phẩm bẩn, ngày 9/5, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 100.000 lít mỡ bẩn đã lạc vào bữa ăn của các công nhân.
Cụ thể, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an huyện Thanh Oai, TP Hà Nội và Đội QLTT số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) vừa phát hiện 2 cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y.
Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc và hàng thực phẩm ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai do Nguyễn Hoàng Nam làm chủ, nhập mỡ động vật không rõ nguồn gốc về sơ chế rồi bán cho các đơn vị khác.
Theo kết quả kiểm tra, cơ sở này vừa nhập 1 container mỡ động vật không rõ nguồn gốc với 98 thùng phuy mỡ cá. Ngoài ra, trong kho hàng của cơ sở này còn có 2 bể lọc chứa 8 khối mỡ nước và 350 thùng phuy mỡ động vật (tổng cộng ước tính hơn 100.000 lít). Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng mình nguồn gốc và chất lượng lô hàng.
Sau đó, lực lượng liên ngành tiếp tục kiểm tra Công ty TNHH Phương Liên và xác định doanh nghiệp này kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc. Tang vật vi phạm gồm 17 thùng phuy mỡ heo có trọng lượng gần 3 tấn.
Đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy gần 5 tấn mỡ heo của Công ty TNHH Phương Liên tại bãi rác Kiêu Kỵ, Gia Lâm (Hà Nội).
Theo Sơn Ca (Tổng hợp)