“Ma trận” chất lượng vàng
Ngay cả người trong ngành vàng cũng khẳng định không thể kiểm soát nổi chất lượng vàng nhẫn, vàng nữ trang.
May nhờ, rủi chịu…
Đem sợi dây chuyền này qua tiệm kế bên, nhân viên ở đây sau khi làm động tác tương tự rồi ra giá sợi dây chuyền chỉ còn 3,2 triệu đồng. Như vậy, chỉ vài bước chân, sợi dây chuyền đã mất giá… 400.000 đồng. Thấy chúng tôi thắc mắc, chủ tiệm lắc đầu: “Sợi dây chuyền được 6 tuổi nhưng mặt dây chuyền này tuổi thấp quá, đã bị “đẽo” chỉ còn 4 tuổi”.
Đến tiệm vàng thứ ba trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, nhìn sợi dây chuyền đã ngả màu vì bị thử nhiều lần nên chủ tiệm cũng xem qua, cũng thử và phán một câu: “3,3 triệu đồng. Được thì bán”...
Không chỉ vàng 18K, vàng nữ trang mới xảy ra hiện tượng mất giá, thiếu tuổi mà ngay cả vàng 24K cũng “mỗi tiệm một tuổi”. Chị Tuyến, nhà ở Cai Lậy- Tiền Giang, kể trước đây chị đi làm công nhân ở TPHCM, dành dụm được ít tiền mua 2 chiếc nhẫn và sợi dây chuyền, trọng lượng tổng cộng gần 1 lượng vàng.
Thời gian sau này, chị về Tiền Giang mang 2 chiếc nhẫn ra tiệm vàng ở Cai Lậy để bán, chủ tiệm vàng ở đây sau khi thử vàng và cho biết chỉ mua vào bằng 85% giá vàng nhẫn 24K mà tiệm này đang giao dịch. Hỏi lý do, chủ tiệm cho biết sợi dây chuyền mà chị Tuyến mua không đủ tuổi...
Theo thống kê của ngành chức năng, cả nước hiện có hơn 10.000 tiệm vàng, nên việc mỗi tiệm vàng, mỗi người thợ bạc dễ dàng đưa ra thị trường một chất lượng, một tuổi vàng khác nhau là điều dễ hiểu. Ngay mặt hàng nhẫn vàng trơn, một biến tướng của vàng miếng đang là mặt hàng bán chạy sau thông tin liên quan đến việc Nhà nước tăng cường quản lý kinh doanh vàng miếng, chất lượng cũng rất khó kiểm soát.
“Ma trận” đoán tuổi
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết ngay mỗi tiệm vàng có cách thử vàng cũng khác nhau. Với vàng 18K thử với máy đo tỉ trọng thường không chính chính xác, độ sai lệch có khi lên đến 2-3 tuổi. Còn thử tuổi vàng bằng acid là tương đối chính xác, nếu vàng màu hồng thì đúng tuổi còn màu xám ngả xanh là đã bị hạ tuổi khá nhiều.
Tuy nhiên, kiểm tra bằng cách này thì phần lớn cũng dựa trên kinh nghiệm mà đoán tuổi. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng mỗi nơi thu mua một giá, nhất là đối với vàng nữ trang loại 18K.
Một giám đốc công ty vàng bạc tại TPHCM cho biết vàng miếng có thương hiệu hiện nay chỉ có 7 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép là bảo đảm uy tín, chất lượng. Còn với những tiệm vàng nhỏ, lẻ sản xuất vàng nhẫn, nữ trang thì rất phổ biến nhưng rất khó kiểm soát được chất lượng. Bởi công thức làm vàng đơn giản là nấu vàng, đổ ra thỏi dài cán cháy lại thành sản phẩm theo ý muốn nên trong quá trình thực hiện, họ có thể làm mọi cách để hạ tuổi vàng để kiếm lời.
Theo kinh nghiệm của vị giám đốc này, nếu nhẫn vàng in 4 số chín (99,99) thì vàng phải có màu vàng chói, nếu màu vàng ngả sang xanh là rớt xuống chỉ còn khoảng 95, 96 tuổi. Đó là trên lý thuyết, còn nếu người sản xuất cố tình nhuộm màu thì người mua cũng đành chịu. “Hiện có rất nhiều cách gian lận vàng mà gian lận ở các mối hàn, “vẩy hàn” là đơn giản nhất.
Với món trang sức nào càng nhiều mối nối, hoa văn thì vàng ở chỗ đó chỉ khoảng 1, 2 tuổi. Còn vàng 18K theo chuẩn quốc tế là 75% vàng 24K nhưng thực tế nhiều chủ tiệm chỉ làm 60%, thậm chí nhiều tiệm làm thấp hơn để kiếm lời. Riêng đối với vàng trắng thì độ tuổi là 41,6%. Tuy nhiên, nếu màu nữ trang càng trắng thì càng thiếu tuổi và cũng rất khó xác định bằng mắt thường…” - vị giám đốc này tiết lộ.
Chọn mặt mua vàng
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng người mua vàng nữ trang nên chọn những thương hiệu có uy tín. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện mua được ở tiệm vàng có uy tín thì nên yêu cầu chủ tiệm vàng ghi rõ trên hóa đơn về tuổi vàng và nên giữ kỹ hóa đơn để khi có sự cố còn có bằng chứng khiếu nại. Theo nguyên tắc, khi sản xuất ra lô sản phẩm vàng trang sức, vàng nữ trang… các chủ tiệm phải đóng dấu xuất xứ, hàm lượng tuổi, kê khai chất lượng. Tuy nhiên, nhiều tiệm vàng lại tránh né và hầu như không có đơn vị nào kiểm tra vấn đề này. |
Theo Sơn Nhung - Thái Phương
NLĐ