1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ly hôn - “Ngáo ộp” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

(Dân trí) - Chuyện ly hôn của các nhà sáng lập công ty đại chúng đang trở thành mối lo của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Việc các “đại gia” dứt nghĩa phu thê hoàn toàn có khả năng gây ra những sóng gió lớn đối với giá cổ phiếu công ty.

Tỷ phú Robin Li, Giám đốc điều hành (CEO) của Baidu, đang dính tin đồn ly dị.
Tỷ phú Robin Li, Giám đốc điều hành (CEO) của Baidu, đang "dính" tin đồn ly dị.

Theo tờ Business Week, ở Trung Quốc trước năm 2003, ly hôn không hề diễn ra dễ dàng, vì theo quy định, vợ chồng chia tay nhau phải có sự nhất trí của cơ quan nơi họ làm việc. Tuy nhiên, từ khi quy định này được bãi bỏ, tỷ lệ ly hôn cũng gia tăng nhanh chóng theo. Năm ngoái, theo số liệu từ Bộ Các vấn đề dân sự của Trung Quốc, tỷ lệ ly hôn toàn quốc của nước này là 22%.

Các vụ ly hôn của những nhân vật nổi tiếng, những doanh nhân giàu có đang trở thành chủ đề được báo chí Trung Quốc khai thác triệt để.

Mùa hè năm ngoái, dư luận nước này đã xôn xao khi tỷ phú đầu tư Wang Gongquan tuyên bố bỏ vợ để đi theo nhân tình chỉ bằng một thông báo ngắn gọn trên mạng xã hội Weibo: “Tôi sẽ từ bỏ tất cả để chạy trốn với Wang Qin. Tôi cảm thấy xấu hổ, vì thế tôi sẽ đi mà không nói lời tạm biệt. Tôi quỳ gối và cầu xin sự tha thứ”.

Đến tháng 10 vừa rồi, báo chí lại rộ thông tin về vụ tỷ phú bất động sản Wang Shi, 61 tuổi, đang chờ ly dị vợ, và có nghi án tình cảm với một nữ diễn viên xinh đẹp kém ông 30 tuổi.

Không chỉ giới truyền thông mà các nhà đầu tư và giới phân tích cũng rất quan tâm tới những vụ ly hôn của giới lãnh đạo doanh nghiệp. Lý do đơn giản là, nhiều vị “đại gia” và vợ hoặc chồng sắp ly dị của họ kiểm soát một tỷ lệ cổ phần lớn trong công ty. Bởi thế, khả năng công ty chao đảo bởi một vụ hôn nhân ở Trung Quốc là lớn hơn ở nhiều nước khác, chẳng hạn như ở Mỹ.

Trong trường hợp người chồng hoặc vợ cũ bán tháo số cổ phiếu mà họ nhận được từ vụ ly dị để rút khỏi công ty, giá cổ phiếu của công ty có thể bị “nhấn chìm” trong một phiên giao dịch.

Bà Wu Yajun, nữ doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc, với khối tài sản có lúc lên tới 7,3 tỷ USD, mùa hè năm nay đã đệ đơn xin ly dị với người chồng đã kề vai sát cánh suốt hàng chục năm. Thông tin về vụ ly dị đã bị lộ ra hồi giữa tháng 11 này khi tài liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông cho thấy, chồng cũ của bà Wu nhận được 40% số cổ phiếu mà trước đây cả hai vợ chồng cũng nắm giữ trong công ty bất động sản Longfor Properties.

Khi cổ phiếu của Longfor sụt giá 4,2% trong phiên giao dịch ngày 20/11, một số nhà phân tích đã cho rằng, có khả năng, ông Cai, chồng cũ của bà Wu, đã bán ra một phần hoặc toàn bộ số cổ phiếu mà ông nhận được từ vụ ly dị.

Hiện nay, tin đồn ly dị đang nổi lên xung quanh Robin Li, Giám đốc điều hành (CEO) của công cụ tìm kiếm khổng lồ Baidu. Li và vợ ông kiểm soát cổ phần 20,8% của Baidu.

“Mọi người đang lo ngại về ảnh hưởng mà tình trạng hôn nhân của ông Li có thể gây ra đối với Baidu. Nếu ông ấy ly dị, cổ phiếu Baidu có nguy cơ mất giá, vì bà vợ có thể bán ra cổ phiếu để lấy tiền”, một nhà phân tích nhận xét.

Bằng chứng sinh động nhất về ảnh hưởng của ly dị đối với công ty nằm ở Tudou, mạng chia sẻ video từng  được đánh giá là mạng YouTube của Trung Quốc. Vào ngày 1/11/2010, Tudou đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) để chuẩn bị niêm yết trên sàn Nasdaq.  

Vào ngày 10/11/2010, tức là chỉ 1 ngày sau khi Tudou nộp hồ sơ lên SEC, vợ cũ của ông Gary Wang, nhà sáng lập Tudou, bất ngờ đâm đơn kiện lên một tòa án ở Thượng Hải. Trong đơn kiện, bà này đòi được chia cổ phần của chồng cũ trong Tudou. Không chỉ có vậy, vụ kiện này nhằm vào hạng cổ phiếu đặc biệt cho phép ông Wang trao quyền cho công ty niêm yết trên sàn Nasdaq được kiểm soát hoạt động của Tudou tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, nếu vụ kiện thành công, Tudou có thể đã gặp phải những thách thức khó vượt qua. Vụ kiện đã khiến Tudou không thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho tới tháng 6 năm ngoái, khi Wang và vợ cũng giải quyết được tranh chấp. Wang đã phải chi nhiều triệu USD cho vợ cũ để bà này chấp nhận ngừng gây sóng gió.

Đến tháng 8/2011, khi Tudou cuối cùng được lên sàn Nasdad, thì đối thủ Youku đã niêm yết từ trước đó rồi. Thời điểm này cũng là khi một loạt vụ gian lận chứng khoán liên quan tới các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ khiến các nhà đầu tư nản lỏng. Giới phân tích cho rằng, do bị trì hoãn mà Tudou chỉ huy động được 822 triệu USD trong vụ IPO, thấp hơn nhiều so với mức 1,03 tỷ USD mà công ty này có thể huy động được nếu IPO vào cuối năm 2010.

Tháng 8 năm nay, Tudou đã phải ngậm ngùi sáp nhập vào đối thủ Youku. Thế mới biết, một vụ ly dị có thể gây ra những thay đổi lớn tới mức nào trên thị trường chứng khoán.

Phương Anh
Theo Business Week