Lý do giá xăng tăng 4 lần liền, tiến rất sát mốc 24.000 đồng/lít

Ghi Du

(Dân trí) - Trong 10 ngày qua, giá xăng dầu thế giới diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng. Cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn khiến giá xăng trong nước tiến sát 24.000 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành ngày 11/8, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước cùng tăng 30 đồng/lít, lên lần lượt 22.820 đồng/lít và 23.990 đồng/lít. Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 4 liên tiếp mặt hàng nhiên liệu này tăng giá, trong đó có 2 lần tăng rất mạnh.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 1/8 đến 10/8) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Cụ thể, kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh và trong bối cảnh OPEC vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ; việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của Arab Saudi và Nga cùng với những lo ngại về nguồn cung do khả năng xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine ở khu vực biển Đen đe dọa các chuyến hàng dầu của Nga; lo ngại về nhiên liệu ở Trung Quốc…

Lý do giá xăng tăng 4 lần liền, tiến rất sát mốc 24.000 đồng/lít - 1

Lo ngại về nguồn cung dầu mỏ đẩy giá nhiên liệu thế giới tăng (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo cơ quan quản lý, các yếu tố trên tác động khiến giá xăng dầu tăng giảm đan xen, nhưng nhìn chung là tăng.

Bình quân, giá thành phẩm xăng dầu thế giới là 99,6 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 0,05 USD/thùng, tương đương giảm 0,05% so với kỳ trước); 105,3 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 0,08 USD/thùng, tương đương giảm 0,08% so với kỳ trước).

Kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng.

Liên bộ cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Ngoài ra, phương án trên bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.