Hé lộ lý do khiến giá xăng chiều 21/7 tăng mạnh như thế

Ghi Du

(Dân trí) - Giá xăng dầu thế giới 10 ngày qua tăng tương đối mạnh. Cơ quan quản lý cho rằng mức tăng hơn 1.200 đồng/lít với xăng trong nước là hợp lý, hạn chế tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội.

Tại kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít, lên 21.630 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.300 đồng/lít, lên 22.790 đồng/lít.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/7 đến 21/7) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự trữ dầu thô của Mỹ giảm; nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh.

Bên cạnh đó, mức dự trữ của Trung Quốc cũng tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại, kèm theo nhu cầu của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng sau đại dịch trong nửa cuối năm nay; dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm cơ bản lên mức 5,25-5,5% vào tuần tới…

Theo cơ quan quản lý, các yếu tố trên tác động khiến giá xăng dầu tăng giảm đan xen, nhưng nhìn chung là tăng.

Bình quân, giá thành phẩm xăng dầu thế giới là 93,12 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 7,39 USD/thùng, tương đương tăng 8,62% so với kỳ trước); 98,92 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 7,23 USD/thùng, tương đương tăng 7,89%).

Kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.

Liên bộ cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, với hạ tầng xăng dầu, dự trữ dầu thô và sản phẩm chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20-25 ngày nhập ròng, xăng dầu thương mại đáp ứng 30-35 ngày, còn hạ tầng dự trữ quốc gia là 15-30 ngày nhập khẩu ròng.

Với LPG, hạ tầng dự trữ đạt sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.

Do vậy, Việt Nam sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu đến 2030 phục vụ dự trữ quốc gia. Kho dự trữ dầu thô sẽ được xây mới 1-2 kho tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn), với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.

Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ dành riêng cho hạ tầng dự trữ quốc gia.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm